Thúc đẩy kết nối đầu tư, học hỏi kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ tân tiến

Kế thừa các hoạt động trong mục tiêu kết nối hợp tác quốc tế, từ đầu năm 2023 đến nay, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã tiếp các đoàn làm việc quốc tế đến từ Thụy Sĩ, Hồng Kông. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng chủ động tổ chức giao lưu kết nối bước đầu ở các nước láng giềng, chuyến kết nối đầu tiên là tại Thái Lan nhằm kích hoạt chuỗi sự kiện The Connect.

“The Connect là chuỗi sự kiện với nhiệm vụ trọng tâm là kết nối đầu tư, chuyển giao công nghệ và đặc biệt là khởi tạo cơ hội học hỏi kinh nghiệm thực chiến giữa Việt Nam và quốc tế. Dự kiến, VBA sẽ thúc đẩy mạnh chuỗi sự kiện này trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và vươn ra các khối kinh tế lớn mạnh của thế giới”, bà Nguyễn Vân Hiền, Tổng Thư ký Hiệp hội Blockchain Việt Nam chia sẻ.

Gần đây nhất, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã có các phiên làm việc với đại diện Quỹ đầu tư CVVC đến từ Thụy Sĩ, đoàn Chủ tịch Hiệp hội Marvels Hàn Quốc, đại diện Hiệp hội Blockchain và tiền điện tử Trung Đông, châu Phi và châu Á (MEAACBA), Công ty SICPA (nhà cung cấp toàn cầu về mực in bảo mật cũng như các giải pháp xác thực, truy xuất nguồn gốc và nhận dạng bảo mật), đoàn đại diện các công ty công nghệ hoạt động tại Hồng Kông cùng Đại học Kinh doanh Hồng Kông… để thảo luận về những kế hoạch hợp tác trong tương lai.

Hai đại diện CVVC (đứng thứ năm, sáu, từ trái sang) và ông Quyết - đại diện LocaMos (thứ hai từ trái sang) trong buổi làm việc cùng ban lãnh đạo và chuyên gia của Hiệp hội Blockchain Việt Nam ngày 16.3

Hai đại diện CVVC (đứng thứ năm, sáu, từ trái sang) và ông Quyết – đại diện LocaMos (thứ hai từ trái sang) trong buổi làm việc cùng ban lãnh đạo và chuyên gia của Hiệp hội Blockchain Việt Nam ngày 16.3

CVVC là quỹ đầu tư mạo hiểm chuyên tìm kiếm các startup quốc tế đang ở giai đoạn đầu trong ngành blockchain. Ông Mathias Ruch – Founder, CEO CVVC đã đến văn phòng Hiệp hội Blockchain Việt Nam tại TP.HCM, với mong muốn tìm hiểu về hệ sinh thái Web3 ở Việt Nam, các tiềm năng và trường hợp ứng dụng blockchain vào các ngành nghề. Quỹ đầu tư này cũng cam kết sẽ tuân thủ pháp lý ở nước sở tại và hướng mục tiêu phát triển lâu dài.

Ông Vũ Ngọc Quyết – đại diện LocaMos (Doanh nghiệp Công nghệ truyền thống hoạt động trong lĩnh vực Ứng dụng và Phát triển Phần mềm) cho biết: “LocaMos rất ủng hộ các kết nối hiện nay của VBA, cả trong nước lẫn quốc tế. Các kết nối này có thể chưa đem lại doanh thu ngay cho doanh nghiệp bạn, tuy nhiên sẽ giúp lãnh đạo các doanh nghiệp định hình và điều chỉnh mô hình hoạt động trước các biến động hiện nay của thị trường”.

VBA cũng có phiên làm việc với ông Phan Quang Tuấn – đại diện của Đại học Hồng Kông (HKU) và ông Kyle Wong, bà Amada Lim – Chủ tịch và Phó Chủ tịch của Hiệp hội Phát triển Blockchain (Association of Blockchain Development – ABCD). Sắp tới đây, HKU và VBA sẽ thúc đẩy hợp tác trong giáo dục và đào tạo; đồng thời; tạo các kết nối, mở ra sự hợp tác rộng hơn giữa Việt Nam và Hồng Kông để trở thành điểm nóng công nghệ trong khu vực Đông Á.

Phiên làm việc với đại diện Đại học Hồng Kông và Hiệp hội Phát triển Blockchain ngày 17.3

Phiên làm việc với đại diện Đại học Hồng Kông và Hiệp hội Phát triển Blockchain ngày 17.3

Năm 2023 cũng là thời gian Hiệp hội tiếp tục mục tiêu thúc đẩy phổ cập kiến thức về công nghệ blockchain, đặc biệt hướng tới đối tượng thuộc tầng lớp trí thức trẻ. Để thực hiện mục tiêu này, Hiệp hội đã ký kết hợp tác với Đại học Đà Lạt vào ngày 16.3, bước đầu giúp giảng viên, học sinh hiểu hơn về blockchain và các ứng dụng của công nghệ này trong ngành giáo dục.

Một trong những lợi ích dễ thấy nhất là blockchain hỗ trợ lưu trữ bảng điểm điện tử, giúp sinh viên lẫn nhà tuyển dụng dễ dàng xác minh tính hợp lệ của chứng chỉ mà không cần trải qua nhiều quy trình phức tạp. Hơn nữa, giảng viên, nghiên cứu sinh tại trường cũng có thể dùng blockchain để bảo vệ bản quyền học tập, bản quyền công trình nghiên cứu.

Bà Hiền nhấn mạnh vào khả năng blockchain tham gia quá trình token hóa chương trình học. Trên thế giới, các nền tảng giáo dục tiên phong đã có hệ thống thưởng và mua bán token dành cho các giáo viên tạo chương trình giảng dạy trên nền tảng và các học sinh hoàn thành khóa học, như một cách khích lệ việc học tập và chia sẻ kiến thức. Tuy nhiên, bà Hiền cho biết: đây chỉ là những hướng đi cho tương lai vì ứng dụng blockchain vào giáo dục hiện giờ vẫn còn rất sơ khai. VBA có thể tham gia với Đại học Đà Lạt trong việc hợp tác mở phòng thí nghiệm, các câu lạc bộ blockchain cho sinh viên, đưa các khóa học về blockchain cho các sinh viên theo ngành tài chính – ngân hàng của các trường đại học.

Trước đó, VBA đã kết nối với các trường đại học như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Ngân hàng TP.HCM, Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội… Cụ thể, VBA đang cùng Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội triển khai cuộc thi G’CONTEST 2023, một cuộc thi về Data Analysis dành cho các bạn trẻ tham gia có cơ hội ứng dụng kiến thức kinh tế vào thực tiễn doanh nghiệp. Cuộc thi cũng được kỳ vọng sẽ là cầu nối giữa các bạn sinh viên và những doanh nghiệp lớn, các tổ chức kinh tế uy tín đồng hành cùng cuộc thi.

Tổng Thư ký VBA chia sẻ: “Hiệp hội Blockchain Việt Nam kỳ vọng việc hợp tác trong giáo dục với các trường đại học trên khắp Việt Nam sẽ đem lại kết quả thực tiễn, hiệu quả kinh tế – xã hội, nâng cao chất lượng đào tạo cho các trường học”.


BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây