Vậy nên dữ liệu số sẽ là một điểm bắt đầu cụ thể cho các ban ngành, các doanh nghiệp Việt Nam trong công cuộc hòa mình vào dòng chảy cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Trong Hội nghị ngày 25.12.2022 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định năm 2023 là “Năm Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới” và giao nhiệm vụ đóng góp xây dựng, đẩy mạnh phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia cho từng bộ, ban ngành. Dữ liệu số quốc gia luôn là trọng tâm trong công cuộc chuyển đổi số, là mũi nhọn để xây dựng chính phủ điện tử, giúp Việt Nam phát triển nền kinh tế số, xã hội số toàn diện.
Dữ liệu số quốc gia có thể hiểu là toàn bộ dữ liệu hành chính, dữ liệu dân cư, đất đai… của người dân được lưu trữ trên cơ sở dữ liệu chung. Việc số hóa thông tin, dữ liệu của người dân có ý nghĩa quan trọng, thay đổi phương thức quản lý từ thủ công, giấy tờ sang phương thức hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin, khắc phục tình trạng thiếu thống nhất, nâng cao chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm thời gian, công sức.
Việt Nam nhận thức tầm quan trọng của dữ liệu
Trước chủ trương mới của chính phủ cho năm 2023, ông Phan Đức Trung nhận định đây là tín hiệu tích cực cho thấy cơ quan quản lý Việt Nam đã nhìn nhận dữ liệu là một tài nguyên và xem dữ liệu không chỉ là bài toán của các doanh nghiệp mà còn liên quan đến lợi ích quốc gia.
Ông Phan Đức Trung – Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam trong buổi tọa đàm về kinh tế số tổ chức tại Trường đại học Ngoại thương (Hà Nội)
Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết: “Người ta thường ví tài nguyên thông tin giá trị như khoáng chất nhưng không chú trọng lưu trữ, khai thác và chuẩn hoá bảo lưu nguồn tài nguyên này. Đến khi thông tin người dùng rơi vào tay các tập đoàn Web2 lớn như Facebook, Google, bị họ khai thác để tạo ra những đế chế công nghệ nhờ nguồn dữ liệu khổng lồ thì nhiều quốc gia mới bắt đầu hành động. Vấn đề quyền riêng tư dữ liệu đang là điểm nóng trong thời đại số, liên quan trực tiếp đến lợi ích quốc gia“.
Bên cạnh việc dữ liệu người dùng trên mạng xã hội bị khai thác, ông Phan Đức Trung còn dẫn ra một bất cập khác trong ngành y tế là quy trình lưu trữ bệnh mẫu hay các mã gen của người Việt không được thực hiện đúng cách đang khiến quá trình nghiên cứu thuốc cho người Việt gặp nhiều khó khăn. Các mô hình cho vay P2P cũng đang lợi dụng nguồn dữ liệu người dùng trôi nổi trên mạng để trục lợi, cạnh tranh trực tiếp với mô hình ngân hàng cổ điển; cơ sở dữ liệu về thuế, hồ sơ doanh nghiệp thì bị tin tặc khai thác và rao bán tràn lan trên không gian mạng. Những trường hợp này tạo ra tiền lệ, tiền đề ảnh hưởng xấu đến nền tài chính khu vực kinh tế nếu không sớm được khắc phục.
Vì sao cần blockchain cho dữ liệu số?
Trong Hội nghị cuối tháng 12, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhìn nhận vấn đề kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương còn hạn chế, vướng mắc, chưa hiệu quả, thường xảy ra tình trạng “cát cứ thông tin”, tức thông tin bị chia cắt cục bộ.
Chính phủ Việt Nam thúc đẩy mọi người nhìn nhận vai trò và giá trị dữ liệu mà chính chúng ta cung cấp và kêu gọi mỗi người phải có trách nhiệm với dữ liệu của mình. Thế nhưng, nhận thức tầm quan trọng của dữ liệu chỉ mới là bước đầu, điều khó khăn hơn là quản lý nguồn dữ liệu đó một cách an toàn, bảo mật.
Ông Trung cho rằng blockchain có thể giúp ích cho vấn đề dữ liệu vì công nghệ này không phụ thuộc vào bên thứ ba, có tính tương tác mạnh mẽ và nhất là đảm bảo quyền riêng tư, minh bạch – câu hỏi đang làm đau đầu các cơ quan quản lý trên thế giới. Tất nhiên chi phí vận hành cơ sở dữ liệu dựa trên blockchain và phí duy trì sẽ cao hơn bình thường, thế nhưng đổi lại, các tập đoàn/ doanh nghiệp lớn sẽ tận dụng được điểm lợi khi khai thác dữ liệu khách hàng được lưu trên môi trường số.
“Hy vọng trong năm dữ liệu số, nhận thức thay đổi sẽ thúc đẩy quyền riêng tư và minh bạch như hai mặt của vấn đề. Năm dữ liệu số giúp chúng ta hiểu về lưu trữ dữ liệu giá rẻ, an toàn, chi phí lưu trữ, khai thác, bảo mật… là những bài toán cụ thể cho doanh nghiệp. Những mô hình dữ liệu lớn cho phép doanh nghiệp tiếp cận với thị trường khách hàng rộng hơn mang tính toàn cầu, chất lượng và cung cấp dịch vụ tốt hơn“, ông Trung kết luận.