Trong bài viết trên tờ Manila Times, chuyên gia về cơ sở hạ tầng nổi tiếng người Philippines, Arnel Casanova đã gửi lời ca ngợi đến Việt Nam khi đạt được hợp tác chiến lược với tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới Nvidia.

Nhìn thấy thành công của Việt Nam, Casanova cũng nêu nhiều tâm tư, kỳ vọng đất nước mình sẽ sớm đạt được những triển vọng tương tự như quốc gia hàng xóm Đông Nam Á.

Thế giới chạy đua công nghệ, Philippines vẫn xem phim truyền hình

“Vài ngày trước, khi người dân Philippines còn đang cuốn theo đời tư của một số nhân vật trong giới showbiz, chính phủ Việt Nam đã ký một thỏa thuận với nhà sáng lập Nvidia, tỷ phú Jensen Huang, để thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về Trí tuệ nhân tạo (AI)”, Casanova viết.

“Đây là bước phát triển mang tính đột phá đối với Việt Nam trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo. Xin dành lời khen ngợi đến chính phủ Việt Nam đã đầu tư và hợp tác chiến lược với tập đoàn chip hàng đầu thế giới. Việt Nam hiện có tiềm năng trở thành trung tâm đổi mới toàn cầu quy mô lớn và đây là chiến thắng mang tính bước ngoặt cho công cuộc này của Việt Nam”.

Ảnh Báo Chính phủ.

Dành lời ca tụng cho Việt Nam, chuyên gia Casanova cũng chỉ ra điều mà Philippines cần khắc phục để thu hút trở lại những gã khổng lồ công nghệ nước ngoài – điều mà năm xưa họ đã từng thành công.

“Khi thế giới ngày càng trở nên tự động hóa, thay đổi hoàn toàn cuộc sống, thì những tranh luận của nhiều người Philippines hiện nay vẫn chỉ giới hạn trong các bộ phim truyền hình dài tập và các vụ bê bối liên quan đến các ngôi sao giải trí”, ông nhận định.

Nhiều thập kỷ trước khi Việt Nam và nhiều nước láng giềng Đông Nam Á trở thành trung tâm sản xuất điện tử công nghệ cao, Philippines từng là nơi đặt trụ sở của một trong những nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới — Texas Instruments. Ngay cả cái tên nổi tiếng Intel cũng đã thiết lập sự hiện diện của mình tại đây.

Texas Instruments chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất đất nước khi 40% trong tổng doanh thu hàng năm 20 tỷ USD của công ty này đến từ Philippines. Ngành công nghiệp bán dẫn cũng chiếm đến 10% GDP của Philippines.

Tuy nhiên, sự hiện diện và quan trọng hơn là sự mở rộng của các công ty công nghệ cao toàn cầu này liên tục bị đe dọa bởi các vấn đề về độ tin cậy và năng lực cung cấp điện.

“Philippines không thể làm ngơ trước những vấn đề này vì các quốc gia khác, như Việt Nam và Malaysia, đang trở thành những địa điểm thay thế tốt hơn”, Casanova nói.

Vấn đề của Philippines

Ngành công nghiệp bán dẫn của Philippines từ lâu đã được coi là một trong những triển vọng kinh tế tươi sáng nhất của đất nước, đặc biệt là khi nhu cầu toàn cầu về vi mạch và linh kiện điện tử tăng lên.

Tuy nhiên, nguồn cung cấp điện không đáng tin cậy và đắt đỏ là vấn đề quan trọng làm suy yếu tiềm năng. Thách thức không chỉ cản trở sự phát triển của các nhà sản xuất trong nước mà còn ngăn cản đầu tư quốc tế.

Sản xuất chất bán dẫn là một quá trình tiêu tốn nhiều năng lượng và ngay cả sự gián đoạn nhỏ về điện cũng có thể gây ra hậu quả thảm khốc cho sản xuất. Máy móc tiên tiến được sử dụng để tạo ra các con chip tinh xảo và dung sai chặt chẽ cần thiết cho các quy trình phụ thuộc vào nguồn cung cấp điện ổn định, nhất quán.

Bất chấp vị trí chiến lược và sản lượng lớn, hoạt động của Texas Instrument tại Philippines phải đối mặt với những thách thức đáng kể do nguồn cung cấp điện không đáng tin cậy của quốc gia này, Casanova nêu vấn đề.

Mất điện, sụt áp và biến động điện áp có thể khiến thiết bị trục trặc, làm hỏng chip và dẫn đến sự chậm trễ tốn kém.

Trong thời kỳ trước đó, Philippines phải đối mặt với mối đe dọa Texas Instruments rời khỏi đất nước do chi phí cao và nguồn cung cấp điện không đáng tin cậy. Sau đó, chính quyền đã phải đồng ý trợ cấp chi phí điện cho cả Texas Instruments và Phoenix Semicon (Samsung) để ngăn chặn sự di cư của nhà xuất khẩu lớn nhất đất nước.

Sau một vài năm trợ cấp như vậy, rõ ràng là không thể duy trì được mãi. Casanova cho biết, ông là người đã đã đề xuất một giải pháp bền vững và lâu dài hơn cho vấn đề này bằng cách thúc đẩy xây dựng nhà máy điện riêng cho các đặc khu kinh tế.

Cách tiếp cận sẽ giải quyết được nhu cầu về nguồn điện đáng tin cậy và giá cả phải chăng để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là trong sản xuất chất bán dẫn và hiện nay là các trung tâm dữ liệu.

“Khi thấy những gì Việt Nam đạt được, tôi đã nhắn tin cho người bạn tốt của mình là trợ lý đặc biệt của của tổng thống về đầu tư và các vấn đề kinh tế để tìm hiểu các giải pháp mà tôi đã đề xuất. Thật ấm lòng khi biết rằng mọi thứ đang đi cùng hướng. Hãy mong chờ điều tương tự cũng sẽ đến với đất nước chúng ta”, Casanova kỳ vọng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây