Theo South China Morning Post, Trung Quốc đang chuẩn bị giới thiệu “nền tảng giao dịch tài sản kỹ thuật số” để tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch sở hữu trí tuệ và mã thông báo không thể thay thế (NFT), thường được gọi là bộ sưu tập kỹ thuật số để tránh những vấn đề liên quan đến tiền điện tử vốn bị cấm ở nước này.

Theo phương tiện truyền thông nhà nước China Daily, lễ ra mắt sẽ được tổ chức vào ngày 1.1.2023. Nền tảng mới được đồng phát triển bởi China Technology Exchange, nhóm dịch vụ giao dịch công nghệ do chính phủ hậu thuẫn, Art Exhibitions China và nhà phát triển blockchain Huaban Digital Copyrights. Nền tảng được xây dựng trên “Chuỗi bảo vệ văn hóa Trung Quốc” (China Cultural Protection Chain) được thiết kế để đăng ký, xác minh, ký gửi, theo dõi và bảo vệ tài sản kỹ thuật số.

Khách chụp ảnh tại một quán cà phê theo chủ đề NFT ở Bắc Kinh, Trung Quốc

chụp màn hình

Liu Jiahui, đối tác của Derun Lawyers có trụ sở tại Bắc Kinh, chuyên về sở hữu trí tuệ, nhận xét việc ra mắt sàn giao dịch quốc gia cho tài sản kỹ thuật số của Trung Quốc là “có ý nghĩa và giá trị” vì nền tảng này có thể “cung cấp cơ chế tốt cho giao dịch bản quyền và sản phẩm kỹ thuật số trong tương lai”. “Mọi người sẽ đến với nền tảng này, giống như một công cụ tổng hợp, để giao dịch và tìm kiếm thông tin”, bà Liu Jiahui cho biết.

Động thái trên cũng phản ánh nỗ lực tăng cường của Bắc Kinh nhằm mở rộng nền kinh tế kỹ thuật số quốc gia bằng cách áp dụng các quy tắc thương mại cho dữ liệu, điều mà chính quyền Trung Quốc coi là yếu tố sản xuất mới cùng loại với đất đai, vốn và lao động con người.

Mặc dù Bắc Kinh kiên quyết cấm giao dịch và khai thác tiền điện tử, nhưng lại “thả lỏng” để các bộ sưu tập kỹ thuật số tồn tại miễn là chúng không liên quan đến Bitcoin và Ethereum. Một tòa án Trung Quốc tháng trước nói các bộ sưu tập kỹ thuật số nên được phân loại là “tài sản ảo” và phải được bảo vệ bởi luật thương mại điện tử.

Để phân biệt với NFT, bộ sưu tập kỹ thuật số ở Trung Quốc được giao dịch với đấu thầu hợp pháp và không thể bán lại để kiếm lời. Những hạn chế như vậy đã làm nguội đi sự nhiệt tình tại thị trường đại lục. Tháng 8.2022, gã khổng lồ công nghệ Tencent Holdings đã đóng cửa nền tảng sưu tập kỹ thuật số Huanhe một năm sau khi ra mắt.

Bà Liu Jiahui hy vọng những hạn chế trong việc bán lại bộ sưu tầm kỹ thuật số sẽ được nới lỏng trong tương lai. “Là tài sản ảo, bộ sưu tập kỹ thuật số nên được quyền giao dịch. Tôi không nghĩ những hạn chế đó sẽ kéo dài mãi mãi”.


BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây