Theo CNBC, trong một thông cáo báo chí vào cuối ngày 29.12, Ủy ban Chứng khoán Bahamas xác nhận tổng số tiền được lấy từ công ty con của FTX ở Bahamas là FTX Digital Markets. Cơ quan này trước đó cũng xác nhận đang nắm giữ một số tài sản kỹ thuật số của FTX nhưng không tiết lộ rõ số lượng.

Ủy ban cho biết tài sản thu giữ được định giá hơn 3,5 tỉ USD, dựa trên giá thị trường tại thời điểm chuyển nhượng. Việc này diễn ra vào ngày 12.11, một ngày sau khi sàn giao dịch tiền điện tử FTX nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ, vì cho rằng “có nguy cơ đáng kể về việc tiêu tán” tài sản dưới sự kiểm soát của FTX Digital Markets.

Khoản tiền bị tịch thu được giữ trên “cơ sở tạm thời” cho đến khi Tòa án tối cao của Bahamas chỉ đạo giao chúng cho khách hàng và chủ nợ

Bloomberg/Getty Images

Khoản tiền trên hiện được giữ trên “cơ sở tạm thời” cho đến khi Tòa án tối cao của Bahamas chỉ đạo giao chúng cho khách hàng và chủ nợ, hoặc cho người thanh lý tài sản mất khả năng thanh toán. Sau khi nộp đơn xin phá sản, FTX đã trở thành mục tiêu của một vụ hack bị nghi ngờ khiến 477 triệu USD biến mất khỏi ví tiền điện tử của công ty. Danh tính của thủ phạm hiện vẫn chưa được biết.

Ủy ban muốn xử lý các thủ tục mất khả năng thanh toán cho FTX ở Bahamas. Nhưng các luật sư Mỹ của FTX đã phản đối động thái này, với cáo buộc trong hồ sơ ngày 17.11 cho rằng ủy ban đã phối hợp với người sáng lập FTX Sam Bankman-Fried (SBF) để có được “quyền truy cập trái phép” vào các hệ thống FTX, nhằm chuyển tài sản kỹ thuật số sang quyền quản lý của chính họ. Đáp lại, Ủy ban Chứng khoán Bahamas nói tuyên bố trên là “không chính xác”.

SBF bị bắt ở Bahamas ngày 12.12 và sau đó bị dẫn độ sang Mỹ, nơi anh đang chờ xét xử về tội lừa đảo, âm mưu rửa tiền và vi phạm tài chính chiến dịch bầu cử. SBF đã được thả vào tuần trước với số tiền bảo lãnh 250 triệu USD. Cựu Giám đốc điều hành FTX dự kiến ​​sẽ bị buộc tội và đưa ra lời biện hộ tại tòa án liên bang ở Manhattan (Mỹ) vào ngày 3.1.2023.


BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây