Ông Phan Đức Trung nói về thanh toán xuyên biên giới ứng dụng công nghệ blockchain |
Đây là chia sẻ của ông Trung tại tọa đàm “Vai trò của blockchain trong phát triển kinh tế số” diễn ra ở Trường Đại học Ngoại thương (Hà Nội) ngày 22.12 để nói về vai trò của blockchain trong bối cảnh phát triển nền kinh tế số tại Việt Nam.
Một hệ thống thanh toán nhanh và bảo mật
Trong thanh toán quốc tế truyền thống, những giao dịch rất nhỏ như 0,5 USD không thể chuyển được qua ngân hàng. Nhưng blockchain cho phép các giao dịch nhỏ được gửi xuyên biên giới rất nhanh với thời gian không quá vài phút, từ đó tạo ra một hệ thống thanh toán thuận lợi hơn.
Vậy còn các giao dịch lớn thì sao? Phó Chủ tịch thường trực VBA khẳng định blockchain hoàn toàn có thể giải quyết các giao dịch lớn nhưng sẽ gặp sự cạnh tranh từ các hệ thống thanh toán truyền thống như Western Union và chưa được luật pháp hỗ trợ. Dù vậy, tín hiệu đáng mừng là blockchain đã giúp phát triển kinh tế ở các quốc gia châu Phi – một nơi mà hệ thống thanh toán không hề thuận lợi như các vùng khác nhưng các giao dịch vẫn được thực hiện liền mạch.
Một điều đáng lưu ý là thanh toán quốc tế hiện nay lệ thuộc rất nhiều hệ thống lệnh do Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT) đặt ra, tốn nhiều thời gian và công sức. Ví dụ, nếu bạn mất một số tiền đang gửi và đưa đơn khiếu kiện lên ngân hàng, sau khi điều tra, bạn nhận lại số tiền đó nhưng phải trả chi phí điều tra vụ việc. Vì vậy, những giao dịch nhỏ thường được không tra soát chi phí, điều này dẫn đến sự ra đời của những hệ thống như Mastercard – luôn chấp nhận rủi ro mất mát 7,4% toàn cầu. Blockchain có thể đưa ra một hệ thống thanh toán xuyên biên giới nhanh, hiệu quả, chi phí minh bạch thấp hơn để cạnh tranh với Visa, Mastercard,…
Hiện nay, nhiều ngân hàng Việt Nam như Vietcombank, Techcombank, TPBank đã có những bước áp dụng thanh toán với blockchain. Tuy thời gian thử nghiệm khác nhau, họ đều kết luận rằng chi phí cho việc áp dụng này là khá cao, bởi các ngân hàng đang áp dụng công nghệ một cách riêng lẻ. Bản chất blockchain là mã nguồn mở, do đó ông Trung cho rằng để áp dụng thành thục tại Việt Nam, chúng ta có thể fork (phân nhánh) từ bản có sẵn.
Tài sản số là tương lai
Tại tọa đàm, ông Phan Đức Trung đưa một tóm tắt tiến trình phát triển tiền tệ của xã hội loài người qua ba cột mốc chính. Cột mốc đầu tiên từ thời cổ đại khi việc mua bán hàng hóa phải sử dụng những thứ như vỏ sò, vàng… làm trung gian để định giá sản phẩm. Nhưng theo thời gian, xã hội loài người tiến tới cột mốc thứ hai, đó là sử dụng tiền giấy trong hoạt động giao thương trong khuôn khổ quốc gia.
Ông Trung cho rằng tài sản số sẽ sớm trở thành bước phát triển tiền tệ tiếp theo như là sự tất yếu của xã hội. Khi đó, con người chuyển sang nắm giữ các tài sản số như tiền mã hóa, NFT, chứng khoán… Ông Trung khẳng định: “Trải qua một quá trình phát triển rất dài của tiền tệ, tôi tin giai đoạn tiếp theo sẽ là một xã hội token hóa, tức là các tài sản sẽ được số hóa và lúc này khái niệm về tiền bạc và tài sản sẽ phức tạp hơn rất nhiều”.
Phó Chủ tịch thường trực VBA dự đoán trong tương lai, các enterprise blockchain sẽ có tiềm năng phát triển rất lớn, vượt hơn cả public blockchain. “Dù cho thị trường này có trở nên to lên hay bé lại (phụ thuộc vào lượng tiền fiat được bơm vào thị trường) thì công nghệ để lại như public blockchain, private blockchain hay consortium blockchain vẫn là điều quý báu cho ngành tài chính”, ông chia sẻ.
Trong khuôn khổ của tọa đàm là buổi ký kết hợp tác giữa Hiệp hội Blockchain Việt Nam và Trường Đại học Ngoại thương nhằm đẩy mạnh việc phát triển nguồn nhân lực tham gia xây dựng kinh tế số, khuyến khích ứng dụng blockchain vào các hoạt động thanh toán, giao thương quốc tế, đón đầu xu hướng tương lai và tạo đà bứt phá cho một nền kinh tế số mang tầm quốc gia vững mạnh, lâu dài.