Cổng Thông tin điện tử Công an thành phố Hà Nội đăng tải thông tin cho biết, Công an TP. Hà Nội vừa phát đi cảnh báo về tình trạng tội phạm lừa đảo trên không gian mạng ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới. Trong đó có việc các đối tượng giả mạo chương trình của đài truyền hình lớn để lừa đảo tặng quà nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân.
Đầu tháng 12/2024, Công an huyện Ba Vì, TP. Hà Nội đã xác minh vụ việc các đối tượng giả danh đài truyền hình thông báo trúng thưởng, rồi chiếm đoạt hơn 400 triệu đồng của một phụ nữ trên địa bàn.
Cụ thể, chị N (trú tại Ba Vì, Hà Nội) nhận được điện thoại từ các đối tượng tự xưng là nhân viên Đài truyền hình HTV thông báo chị được tham gia chương trình trúng thưởng với các giải thưởng lớn như ti vi, tủ lạnh…
Để nhận thưởng, chị N phải đến đài truyền hình hoặc tham gia trực tuyến bằng cách mua sản phẩm với giá từ 900.000 đồng đến 3 triệu đồng. Sau khi hoàn thành việc mua hàng, chị sẽ được quay thưởng và có có nhân viên từ TP. HCM ra trao thưởng.
Tin tưởng, chị N đồng ý mua một đơn hàng trị giá 900.000 đồng. Tuy nhiên, sau đó, các đối tượng tiếp tục gọi điện, tự xưng là Giám đốc và quản lý của Đài truyền hình HTV, dụ dỗ chị đặt mua thêm các sản phẩm khác.
Tổng cộng, chị N đã nhận 28 đơn hàng với 96 sản phẩm và thanh toán số tiền hơn 400 triệu đồng. Sau khi phát hiện mình bị lừa, chị N đã đến cơ quan Công an trình báo.
Sau sự việc này, Công an TP. Hà Nội khuyến cáo người dân thận trọng và cảnh giác trước các tin nhắn, cuộc gọi thông báo trúng thưởng hoặc tham gia chương trình tri ân khách hàng miễn phí, bởi đây có thể là chiêu trò lừa đảo nhằm đánh vào tâm lý thích quà tặng của nhiều người.
Người dân nên kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào và báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất khi phát hiện các dấu hiệu lừa đảo để được hướng dẫn và xử lý kịp thời
Các thủ đoạn lừa đảo qua cuộc gọi khác mà người dân cần cảnh giác:
Hiện nay, tình trạng lừa đảo qua điện thoại diễn ra rất phổ biến. Một số thủ đoạn quen thuộc thường thấy như:
– Giả mạo shipper: Thủ đoạn phổ biến của các đối tượng là gọi điện tự xưng shipper, thông báo có đơn hàng cần giao và yêu cầu khách thanh toán trước qua chuyển khoản. Sau khi tiền được gửi đi, người mạo danh viện lý do nhầm lẫn số tài khoản thường là tài khoản hội viên hoặc gói dịch vụ và yêu khách hàng truy cập đường link giả mạo để hoàn tiền. Khi nạn nhân nhập thông tin vào các đường link này, tài khoản ngân hàng lập tức bị chiếm đoạt.
– Giả mạo Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án… gọi điện gây sức ép, yêu cầu nộp tiền. Kịch bản lừa đảo trong tình huống này là: Giả làm Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án… liên hệ với nạn nhân thông báo vi phạm không có thật, khai thác thông tin cá nhân của người nghe. Sau đó, chúng sẽ sử dụng các thông tin này để làm giả lệnh bắt, khởi tố của cơ quan Công an nhằm đe dọa, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền để phục vụ điều tra.
– Giả danh ngân hàng gọi điện mời chào vay tiền online: Thủ đoạn này thực hiện bằng cách hướng dẫn nạn nhân làm các thủ tục vay, mở tài khoản online, sau đó gửi yêu cầu xác nhận phê duyệt khoản vay và yêu cầu nộp các khoản tiền lệ phí, tiền trả góp… để chiếm đoạt.
– Giả danh nhân viên cửa hàng, công ty xổ số… gọi điện thông báo họ may mắn nhận được phần thưởng có giá trị cao. Để nhận phần thưởng này, nạn nhân phải mua một sản phẩm của đối tượng có giá trị cao hơn giá trị ngoài thị trường hoặc chuyển trước một số tiền đóng thuế để nhận thưởng, sau đó chiếm đoạt.
Cơ quan công an tại các địa phương khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác và tuyệt đối không thực hiện các yêu cầu từ những cuộc gọi giả danh cán bộ thuộc các cơ quan thực thi pháp luật. Không cung cấp thông tin cá nhân hoặc thông tin tài khoản ngân hàng qua điện thoại hay mạng xã hội. Nếu phát hiện hoặc nghi ngờ hành vi lừa đảo, người dân nên nhanh chóng trình báo đến cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ và giải quyết kịp thời.