Truyền thông thế giới và mạng xã hội những ngày gần đây đang đưa tin về một chủng virus được cho là “mới” bùng phát ở Trung Quốc.
Tờ Independent của Anh chạy dòng tít: “Trung Quốc tăng cường các biện pháp khẩn cấp trong bối cảnh virus mới bùng phát “, khẳng định loại virus này đã lây nhiễm cho một số lượng lớn người dân ở nhiều tình miền bắc Trung Quốc, dẫn đến tình trạng quá tải ở bệnh viện.
Tờ The Standard của Anh khẳng định “Trung Quốc đang bị choáng ngợp bởi đợt bùng phát virus mới bí ẩn sau 5 năm kể từ khi COVID xuất hiện”.
Bài báo trích dẫn một video trên mạng xã hội X cho thấy quang cảnh “các bậc cha mẹ đang bế những đứa trẻ bị bệnh giữa hàng dài chờ khám nhi khoa vào đêm muộn“, được cho là ở một bệnh viện Trung Quốc.
“Các đơn vị y tế đang phải vật lộn với số lượng bệnh nhân lớn“, The Standard báo cáo. “Một số bệnh viện ở Trung Quốc đã quá tải và người dân đang phải đeo khẩu trang trở lại”.
Các thông tin này hiện cũng đang được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội ở Việt Nam, khiến nhiều người lo lắng khi những ký ức về đợt bùng phát COVID-19 đúng 5 năm trước được gợi lại.
Nhưng liệu đợt bùng phát virus “lạ” ở Trung Quốc này có thực sự đáng lo ngại hay không? Virus này có thực sự “lạ” như nhiều người tưởng tượng? Chúng ta cần làm gì để phòng tránh nó?
Hãy cùng tìm hiểu.
Tên của virus này là HMPV, nó có phải virus mới lạ không?
Tờ Independent cho biết chủng virus được cho là “lạ” đang bùng phát ở Trung Quốc là virus MHPV (Human Metapneumovirus). Nếu vậy, đây không phải là một chủng virus mới.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh dịch Hoa Kỳ (CDC), MHPV là một virus thuộc họ Pneumoviridae. Virus này lần đầu tiên được xác định tại Hà Lan vào năm 2001. Nó thuộc họ cùng với virus hợp bào hô hấp (RSV) và không phải một “virus lạ”, “virus mới” hay “virus chưa xác định” theo như nhiều thông tin trên mạng xã hội đang lan truyền.
Các ca nhiễm MHPV đã được ghi nhận trên toàn thế giới trong hơn 60 năm qua. Loại virus này gây ra bệnh đường hô hấp ở mọi lứa tuổi, nhưng tập trung vào trẻ nhỏ, người già và những người có hệ miễn dịch suy giảm như bệnh nhân HIV, người điều trị ung thư…
Các nghiên cứu huyết thanh học đã chỉ ra hầu như mọi trẻ em trên thế giới đều đã tiếp xúc với virus này trong 5 năm đầu đời. Vì vậy, có thể chính bạn cũng đã từng nhiễm virus này và trong máu của bạn đã có kháng thể để chống lại nó.
Đó là lý do tại sao nhiễm virus MHPV không gây nguy hiểm cho người trưởng thành khỏe mạnh. Các triệu chứng mà virus gây ra chỉ giống như cảm cúm, bao gồm ho, ngạt mũi sốt và khó thở.
Hầu hết các triệu chứng này sẽ tự khỏi trong vòng vài ngày mà không cần điều trị.
Tỷ lệ tử vong do nhiễm MHPV là bao nhiêu?
Mặc dù không gây nguy hiểm cho người trưởng thành khỏe mạnh, virus MHPV có thể dẫn tới biến chứng nặng phải nhập viện cho các đối tượng:
– Trẻ em lần đầu nhiễm bệnh, thường là trẻ sơ sinh hoặc trẻ em dưới 5 tuổi
– Những người già trên 65 tuổi
– Người bị hen suyễn đang sử dụng steroid
– Người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
– Người có hệ miễn dịch suy yếu do HIV, điều trị ung thư hoặc sử dụng thuốc chống thải ghép sau ghép tạng
Cũng giống như nhiều chủng virus hô hấp thông thường khác, biến chứng sau nhiễm MHPV có thể bao gồm viêm phế quản, viêm phổi. Thống kê cho thấy từ 5-16% trẻ em nhiễm HMPV sẽ bị viêm phổi.
Một nghiên cứu trên tạp chí Lancet Global Health năm 2021 cho thấy khoảng 1% số ca tử vong do nhiễm trùng đường hô hấp dưới cấp tính ở trẻ em dưới 5 tuổi là do HMPV gây ra.
Tỷ lệ tử vong cao nhất do nhiễm virus này xảy ra trên nhóm bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch. Con số dao động trong một khoảng lớn từ 10-80% trong các nhóm thống kê nhỏ, liên quan đến bệnh nhân ung thư máu, đa u tủy, bệnh bạch cầu hoặc các dạng ung thư khác bị suy giảm miễn dịch do tác dụng phụ của hóa trị.
Đối với người khỏe mạnh, không thuộc các nhóm đối tượng nguy cơ cao, nhiễm virus HMPV là không đáng lo ngại và không gây ra nguy cơ tử vong.
Nhưng tại sao MPHV lại gây ra “cơn sốt truyền thông” tại thời điểm này?
Các thông tin về “dịch bệnh lạ” tại Trung Quốc những ngày gần đây xuất hiện theo sau một động thái của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc vào ngày 27 tháng 12 năm 2024.
Theo đó, CDC Trung Quốc cho biết họ đang thử nghiệm một hệ thống giám sát bệnh viêm phổi không rõ nguyên nhân, trong bối cảnh các trường hợp mắc một số bệnh đường hô hấp tại Trung Quốc được dự đoán là sẽ tăng trong mùa đông này.
Hệ thống giám sát bước đầu ghi nhận có một xu hướng gia tăng về tổng số ca nhiễm các bệnh đường hô hấp cấp tính ở Trung Quốc trong tuần từ 16-22/12/2024.
Phân tích mẫu bệnh phẩm cho thấy những bệnh nhân này thường bị nhiễm các tác nhân gây bệnh như rhinovirus, MHPV. Trong đó, các trường hợp mắc MHPV ở người dưới 14 tuổi có xu hướng tăng ở các tỉnh phía Bắc Trung Quốc.
Sau đó, một video xuất hiện trên mạng xã hội X cho thấy tình trạng quá tải ở một bệnh viện được cho là ở Trung Quốc. Trong đó, nhiều bậc phụ huynh đang phải xếp hàng dài để cho con nhỏ đi khám vì nghi nhiễm bệnh đường hô hấp.
Điều này có thể đã khiến nhiều người nhầm tưởng rằng đang có một đợt bùng phát virus “lạ” khác ở Trung Quốc, khi họ liên tưởng tới “bóng ma” COVID-19 cũng bùng nổ ở đất nước tỷ dân trong khoảng thời gian này của 5 năm về trước.
Nhưng sự thật là tại thời điểm này, Trung Quốc đang vào mùa đông, do đó, sự gia tăng của các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp không phải là bất thường.
Video lan truyền trên X cho thấy tình trạng một bệnh viện quá tải tại Trung Quốc, nhưng bối cảnh video chưa được xác thực
CDC Trung Quốc cho biết, theo báo cáo kết quả giám sát trọng điểm các bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền qua đường hô hấp trong tuần 52 năm 2024 của họ, thì số trường hợp mắc các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, có triệu chứng giống cúm còn thấp hơn cùng kỳ năm ngoái.
Ngày 4/1, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã thông tin bệnh nhiễm trùng đường hô hấp đang lây lan ở nước này là bệnh thường quy, không phải sự kiện y tế bất thường, các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp thường đạt đỉnh vào thời điểm hiện tại trong năm ở quốc gia này.
Phòng ngừa virus MHPV
Tại Việt Nam, đại diện Bộ Y tế cho biết đã nắm được thông tin lan truyền trên mạng xã hội và báo chí liên quan đến sự gia tăng các ca mắc virus HMPV ở Trung Quốc.
Ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho báo chí biết Cục Y tế dự phòng đã liên hệ với Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, tại khu vực châu Á Thái Bình Dương và Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế Quốc tế (IHR) của Trung Quốc (Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Trung Quốc) để xác minh thông tin.
Hiện tại, Tổ chức Y tế thế giới chưa có thông tin chính thức về tình hình tại Trung Quốc, đồng thời chưa xác minh được độ tin cậy và tính chính thống của các thông tin trên báo chí và mạng xã hội cho rằng có một đợt bùng phát dịch khiến bệnh viện quá tải.
Trên cơ sở các thông tin ghi nhận từ hệ thống giám sát dựa vào sự kiện, Cục Y tế dự phòng đã chủ động theo dõi, giám sát thông tin về diễn biến tình hình mắc các bệnh lây truyền qua đường hô hấp tại Trung Quốc.
Đồng thời, Cục sẽ tiếp tục bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh; phối hợp chặt chẽ với tổ chức WHO, đầu mối thực hiện IHR của Trung Quốc để cập nhật thông tin và chủ động cung cấp, chia sẻ thông tin đầy đủ chính xác, không để xảy ra hoang mang, lo lắng nhưng đồng thời không chủ quan, lơ là trước các diễn biến của tình hình dịch bệnh, nhất là trong giai đoạn mùa đông xuân hiện nay với điều kiện thời tiết thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp lây lan.
Trước khi có thêm các thông tin mới về tình hình tại Trung Quốc, người dân có thể thực hiện các biện pháp đơn giản để phòng ngừa virus HMPV nói riêng và các chủng virus khác lây lan qua đường hô hấp nói chung.
Các biện pháp được khuyến cáo bao gồm:
– Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng
– Che mũi, miệng bằng khuỷu tay hoặc bằng tay khi hắt hơi hoặc ho
– Tránh ở gần những người có triệu chứng mắc bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp
– Đeo khẩu trang
– Tránh chạm tay lên các bề mặt ở nơi công cộng
– Không đưa tay lên mặt, đặc biệt là mũi, miệng, mắt
– Không dùng chung đồ ăn, dụng cụ ăn uống với người khác
– Nếu có triệu chứng mắc virus HMPV như sốt, ho, hãy uống nhiều nước và tự mình cách ly, đặc biệt tránh tiếp xúc với các đối tượng có nguy cơ cao như trẻ sơ sinh, người già, người có hệ miễn dịch yếu
– Đi khám nếu có các triệu chứng như sốt cao trên 39 độ C, khó thở, da, môi hoặc móng tay tím tái, hoặc khi cảm thấy sức khỏe ngày một yếu hơn.