Theo phương tiện truyền thông Jiemian đưa tin hôm 20.7, Tencent Holdings thời gian qua đã phải thực hiện biện pháp nghiêm ngặt để hạn chế việc bán lại mã thông báo không thể thay thế (NFT) và đang chuẩn bị đóng cửa nền tảng Huanhe ngay trong tuần này. Huanhe là đơn vị đào và phân phối các bộ sưu tập kỹ thuật số dựa trên blockchain được ra mắt mới chỉ một năm trước.
Hiện Tencent không trả lời ngay các yêu cầu bình luận. Nếu nền tảng này bị đóng cửa, nó sẽ đánh dấu sự rút lui lớn của gã khổng lồ truyền thông xã hội Trung Quốc khỏi thị trường NFT, vốn đang bị Bắc Kinh giám sát chặt chẽ kể từ khi sự nhiệt tình trong công chúng ngày càng tăng vào năm ngoái.
Tencent Holdings thời gian qua đã phải thực hiện biện pháp nghiêm ngặt để hạn chế việc bán lại mã thông báo không thể thay thế (NFT) |
Reuters |
Trên ứng dụng Huanhe, tất cả NFT đang ở trạng thái “đã bán hết”. Báo cáo từ phương tiện truyền thông nhà nước Yicai Global, trích dẫn một nguồn tin giấu tên tại Tencent, cho biết giao dịch đã tạm dừng vào đầu tháng và đưa ra dự đoán về một đợt kiểm soát lớn sắp tới.
Cuối tháng trước, ứng dụng truyền thông xã hội WeChat của Tencent cũng thông báo về việc cấm các tài khoản công khai cung cấp dịch vụ giao dịch thứ cấp hoặc hướng dẫn giao dịch. Vài tuần sau, ứng dụng Tencent News ngừng bán bộ sưu tập kỹ thuật số, và phần dành cho tính năng này được cải tiến thành “đơn đặt hàng kỹ thuật số”, nơi người dùng chỉ có thể xem lịch sử mua hàng trước đó.
Các gã khổng lồ công nghệ thận trọng với NFT
Các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc, bao gồm Tencent và Alibaba Group Holding, đã thận trọng với nền tảng NFT của họ ở đại lục. Hầu hết các nền tảng trong nước đều tránh hoàn toàn nhãn NFT, thay vào đó dùng cách gọi “bộ sưu tập kỹ thuật số” vì không muốn liên quan đến tiền điện tử.
Chính phủ Trung Quốc đã nghiêm cấm giao dịch tiền điện vào năm ngoái. Nước này cũng cảnh giác với những hoạt động đầu cơ có thể dẫn đến bong bóng tài sản trong thị trường tiền điện tử. Do đó, các bộ sưu tập kỹ thuật số phải được mua bằng nhân dân tệ và việc bán lại để kiếm lời bị cấm. Tuy nhiên, những hạn chế đó vẫn không ngăn cản được nhiều công ty và tổ chức khác nhảy vào thị trường. Baidu, JD.com và thậm chí cả Tân Hoa xã đều đã cung cấp NFT của riêng mình.
“Có một loạt công ty lớn đổ xô phát hành bộ sưu tập kỹ thuật số. Nhưng bản thân hoạt động kinh doanh này không bền vững, bởi vì trên thực tế họ đã biến mọi thứ trở thành NFT và cung cấp lượng lớn các bản sao khiến sản phẩm trở nên không còn hiếm nữa”, Gao Chengshi, đối tác sáng lập công ty phát triển blockchain Shanghai Hashvalue Information Technology, nói. Dù vậy, khi nhắc đến tương lai của NFT, ông Gao vẫn lạc quan về lĩnh vực này ở cả Trung Quốc và nước ngoài, với niềm tin chúng trở thành “yếu tố cơ bản trong xã hội kỹ thuật số”.