Muốn iPhone 16 nhưng không thể mua

Winston, một bác sĩ y khoa sống và làm việc tại thủ phủ của tỉnh Bắc Sumatra, nhận mình là một fan hâm mộ của Apple.

Tự hào sở hữu chiếc iPhone 15, Winson muốn nâng cấp lên mẫu mới nhất, iPhone 16, được phát hành từ tháng 9 năm ngoái.

Nhưng người này phải ngậm ngùi từ bỏ ý định khi chính phủ Indonesia ra lệnh cấm bán iPhone 16 và Google Pixel vào cuối tháng 10, với lý do các gã khổng lồ công nghệ không tuân thủ quy định yêu cầu điện thoại phải có ít nhất 40% linh kiện cung ứng tại địa phương.

“Mong là các quy định của Indonesia về iPhone chỉ ảnh hưởng đến tôi một lần”, Winston, chia sẻ với Al Jazeera.

 - Ảnh 1.

Mặc dù có thể mua iPhone xách tay – một hoạt động khá phổ biến và hợp pháp, miễn là điện thoại không được bán lại – Winston từng gặp rắc rối vì các quy định của Indonesia.

“Tôi mua iPhone 11 ở Singapore vào năm 2019 vì giá rẻ hơn nhiều so với ở Indonesia, thực tế là rẻ hơn khoảng 250 USD. Một vé khứ hồi đến Singapore thời điểm đó chỉ có 120 USD. Bạn có thể bay đến Singapore và quay lại Indonesia trong ngày, nên tiết kiệm chi phí hơn”, anh nói.

Winston sử dụng điện thoại mà không gặp vấn đề gì trong khoảng một năm, cho đến khi chính phủ Indonesia ban hành quy định bắt buộc tất cả điện thoại phải đăng ký vào năm 2022.

Anh cho biết, mặc dù đã đăng ký điện thoại theo yêu cầu, nhưng một ngày nọ, thiết bị đột nhiên mất tín hiệu và không thể kết nối mạng, ngay cả khi dùng thẻ SIM khác.

“Tôi đến một đại lý bán lẻ sản phẩm Apple vì nghĩ điện thoại có vấn đề, nhưng họ chỉ nói rằng: Chúng tôi không thể làm gì cả'”, người này kể lại.

Chiếc iPhone 15 hiện tại của Winston không gặp vấn đề gì vì được anh mua thông qua một bên bán được cấp phép.

Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư với khoảng 280 triệu người, là một trong những thị trường điện thoại thông minh lớn nhất thế giới.

Theo công ty nghiên cứu thị trường Newzoo, quần đảo này là nơi sinh sống của khoảng 190 triệu người dùng điện thoại thông minh vào năm 2022.

Theo số liệu từ Bộ Công nghiệp, nước này đã nhập khẩu khoảng 22.000 điện thoại Google Pixel và 9.000 iPhone 16 vào năm 2024, trước khi công bố lệnh cấm.

Các lô hàng điện thoại thông minh đến Indonesia chủ yếu là các thiết bị của Xiaomi, Oppo và Vivo của Trung Quốc hay Samsung do Hàn Quốc sản xuất.

 - Ảnh 3.

Chấp nhận đánh đổi

Abdul Soleh, một luật sư tại Medan, cho biết mức giá quá đắt đỏ của iPhone 16 đối với nhiều người Indonesia có thể giải thích tại sao ít có sự phản đối mạnh mẽ đối với lệnh cấm.

“Đây thực sự là một điều đáng tiếc vì iPhone rất phổ biến và có tỷ lệ người dùng hài lòng cao ở Indonesia”, Soleh chia sẻ với Al Jazeera. “Sẽ tốt hơn nếu iPhone 16 được bán ở Indonesia vì ở đây có khá nhiều người dùng mê sản phẩm này”.

Khairul Mahalli, người đứng đầu Phòng Thương mại Bắc Sumatra, cho biết mặc dù chính sách TKDN của Indonesia nhằm mục đích hỗ trợ ngành công nghiệp địa phương, nhưng nó có thể gây ra những hậu quả không mong muốn.

“Là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), chúng tôi có thể bảo vệ các ngành công nghiệp của mình, nhưng cũng cần phải có các biện pháp cân bằng”, Mahalli nói.

“Một trong những nguy cơ trong tương lai đó là nếu Indonesia chặn việc bán một số sản phẩm nhất định, các quốc gia khác cũng có thể làm tương tự với sản phẩm của Indonesia trên thị trường quốc tế”.

Trong khi đó, Rio Priambodo, người đứng đầu bộ phận pháp lý và khiếu nại tại Tổ chức Người tiêu dùng Indonesia, cho biết người tiêu dùng nên cân nhắc kỹ trước khi mua mẫu iPhone mới nhất, đặc biệt là thông qua các nhà bán lẻ bất hợp pháp trong nước.

 - Ảnh 5.

Trong nỗ lực phá vỡ thế bế tắc, Apple cam kết sẽ tăng mạnh đầu tư vào quốc gia Đông Nam Á để đổi lấy việc dỡ bỏ lệnh cấm.

Vào tháng 11, gã khổng lồ công nghệ đã đề nghị đầu tư 100 triệu USD trong vòng hai năm, tăng gấp 10 lần so với cam kết trước đó là rót 10 triệu USD vào việc xây dựng một nhà máy sản xuất phụ kiện và linh kiện tại Bandung, Tây Java.

Bất chấp lời đề nghị, Bộ Công nghiệp Indonesia không hề lay chuyển.

Vào ngày 25/11, Jakarta chính thức từ chối lời đề nghị này, khi Bộ trưởng Công nghiệp Agus Gumiwang Kartasasmita cho biết nó không đáp ứng “nguyên tắc công bằng” của Indonesia.

Ông nói Apple đã đầu tư số tiền lớn hơn vào các nước láng giềng như Thái Lan và Việt Nam, bao gồm 15 tỷ USD cho các cơ sở sản xuất tại Việt Nam.

“Dựa trên đánh giá, số tiền đầu tư chưa đạt đến con số mà chúng tôi cho là công bằng”, vị này nhấn mạnh. “Chúng tôi muốn Apple quay lại kinh doanh tại đây, nhưng chúng tôi cũng cần một giải pháp hợp lý”.

Trong khi đó, những người hâm mộ Apple như Winston phải đối mặt với viễn cảnh không được sử dụng những mẫu máy mới nhất trong tương lai gần.

“Tôi hiểu lệnh cấm là vì lý do chính trị vì Apple không muốn đầu tư vào Indonesia, và tôi ủng hộ chính phủ của mình”, anh nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây