Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo là mua hàng số lượng lớn, sau đó đề nghị chuyển khoản theo hình thức Internet Banking cho người bán hàng. Nhưng thực chất đối tượng không chuyển tiền thật, mà các đã dùng một số phần mềm tạo dựng biên lai (bill) thanh toán giả rồi đưa cho người bán hàng xem nhằm chứng minh là đã thực hiện việc chuyển khoản. 

Người bán hàng nhìn ảnh bill giả các đối tượng đưa cho, tưởng là thật nên đồng ý giao hàng. Cho đến khi các nạn nhân không thấy tài khoản báo có tiền và nhận ra mình đã bị lừa, thì các đối tượng đã đi xa. Ngoài ra, trên mạng internet các đối tượng còn đăng dịch vụ cung cấp các biên lai thanh toán giả của nhiều ứng dụng ngân hàng, ứng dụng thanh toán khác nhau tiếp tay cho hành vi lừa đảo nêu trên.

Nhận tiền chuyển khoản, lưu ý kỹ điều này- Ảnh 1.

Bill chuyển tiền giảo mạo (Ảnh minh họa)

Mới đây, vào ngày 13/11, anh N, chủ cửa hàng điện thoại di động đã bị lừa đảo vì mắc bẫy lừa hóa đơn chuyển tiền giả mạo. Theo đó, vào sáng 13/11, anh N. nhận tin nhắn qua Messenger từ tài khoản mạng xã hội (MXH) “Huyền Ngọc” với nội dung cần tư vấn giá điện thoại di động iPhone 16 Pro Max. Khi được tư vấn và báo giá xong, tài khoản này đặt mua 1 chiếc điện thoại với giá gần 35 triệu đồng. 

Sau đó, chủ tài khoản gửi cho anh N. hóa đơn chuyển tiền thành công, đúng với nội dung, thông tin, số tiền mà anh đã cung cấp. Do không kiểm tra kỹ, anh N. tin rằng đó là hóa đơn chuyển tiền thật nên đồng ý giao hàng. Đến chiều cùng ngày, có một thanh niên đến cửa hàng nhận điện thoại cho tài khoản “Huyền Ngọc”. Khi nhân viên đang giao điện thoại, anh N. kiểm tra lại tài khoản ngân hàng thì phát hiện chưa nhận được số tiền khách hàng “Huyền Ngọc” đã chuyển. Anh N sau đó đã trình báo vụ việc cho cơ quan Công an. Tại cơ quan Công an, người thanh niên này cho biết đã được TTAN (ngụ tỉnh TG) thuê đến cửa hàng nhận điện thoại.

Nhận tiền chuyển khoản, lưu ý kỹ điều này- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Tại cơ quan công an, TTAN khai nhận tạo tài khoản giả tên “Huyền Ngọc” để liên hệ chủ cửa hàng đặt mua điện thoại iPhone 16 Ppro Max. Khi chủ cửa hàng báo giá, TTAN lên mạng truy cập vào 1 đường link để tạo hóa đơn chuyển tiền giả, rồi gửi cho chủ cửa hàng. Khi chủ cửa hàng đồng ý giao điện thoại, TTAN thuê người thanh niên đến nhận và bị phát hiện.

Mở rộng điều tra, TTAN khai nhận, cũng tại cửa hàng điện thoại của anh N., trước đó, TTAN đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 5 triệu đồng và 1 điện thoại iPhone 15 Pro Max. Sau đó, TTAN cầm điện thoại cho chính cửa hàng mà mình đã lừa để lấy 8 triệu đồng. Đến ngày 13.11, TTAN tiếp tục lừa đảo thì bị phát hiện.

Ngoài ra, TTAN còn tạo hóa đơn chuyển tiền giả để chơi hụi qua mạng với một phụ nữ ở Q.5 (TP.HCM), chiếm đoạt 160 triệu đồng.

Cơ quan Công an khuyến cáo:

1. Để tránh bị lừa đảo, người dân nếu sử dụng giao dịch qua tài khoản ngân hàng cần lưu ý kỹ hóa đơn chuyển khoản, không giao hàng hóa cho bất kỳ ai khi chưa nhận được tiền trong tài khoản ngân hàng, kể cả khi kẻ gian cung cấp hình ảnh đã chuyển khoản thành công.

2. Người tham gia giao dịch nên chờ thông báo đã nhận được tiền từ ngân hàng đến tài khoản của mình thay vì chỉ tin tưởng vào ảnh chụp giao diện chuyển tiền thành công.

3. Ngoài ra, lưu ý không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu ứng dụng, mã xác thực OTP, email… cho bất kỳ ai kể cả khi người đó tự xưng là nhân viên ngân hàng, cơ quan nhà nước.

4. Trường hợp phát hiện cần liên hệ Cảnh sát khu vực/Công an xã trên địa bàn hoặc Cơ quan Công an gần nhất để được hướng dẫn hoặc thực hiện tố giác tội phạm qua chức năng gửi Kiến nghị phản ánh về an ninh trật tự trên ứng dụng VNeID.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây