Theo các chuyên gia tại trung tâm Dịch vụ Mạng lưới Blockchain (BSN) – một cơ quan do chính phủ hậu thuẫn của Trung Quốc, tiền mã hóa cũng như các mô hình kinh doanh liên quan tới Web3 đều là lừa đảo đầu tư. Nhận định trên được đưa ra sau khi thị trường tiền ảo vừa sụt giảm nghiêm trọng, gây lỗ cho nhà đầu tư toàn cầu.
Trung Quốc cấm mọi hoạt động liên quan đến tiền điện tử |
chụp màn hình |
Shan Zhiguang và He Yifan – hai chuyên gia của BSN gọi tiền mã hóa là “vụ lừa đảo theo mô hình Ponzi lớn nhất lịch sử loài người”, được dựng lên bởi những cộng đồng “tìm mọi cách để giữ trò gian lận tiếp diễn”, trang SCMP dẫn phát biểu của họ đăng trên Nhật báo Nhân Dân – cơ quan truyền thông quốc gia của Trung Quốc.
“Mô hình Ponzi” mà hai chuyên gia nhắc tới là hình thức lừa đảo thu hút các nhà đầu tư, trả lợi nhuận cho người trước đó bằng tiền từ nhà đầu tư gia nhập sau. Mô hình này khiến nạn nhân tin rằng lợi nhuận đến từ việc bán sản phẩm hoặc phương tiện khác, không biết các nhà đầu tư khác là nguồn tiền.
SCMP đánh giá những hoài nghi về tiền điện tử đã tăng mạnh trong thời gian ngắn. Thực tế, chính phủ Trung Quốc cũng đang đưa ra nhiều quy định để thắt chặt thị trường tiền mã hóa. Chính quyền Bắc Kinh đã cấm mọi hoạt động liên quan đến tiền điện tử như giao dịch, gây quỹ, khai thác…
Một bài báo được tờ Economic Daily (Nhật báo Kinh tế) của nhà nước Trung Quốc xuất bản hôm 22.6 nói các nhà đầu tư nên đề phòng nguy cơ giá Bitcoin “về 0” và tin rằng Bitcoin không hơn gì một chuỗi mã kỹ thuật số, lợi nhuận của nó chủ yếu đến từ việc mua thấp và bán cao. Trong tương lai, một khi niềm tin của các nhà đầu tư sụp đổ hoặc khi các quốc gia có chủ quyền tuyên bố Bitcoin là bất hợp pháp, loại tiền mã hóa này sẽ trở lại giá trị ban đầu và hoàn toàn vô giá trị.
Đồng quan điểm, các chuyên gia tại BSN đánh giá tiền mã hóa tự bản thân không có giá trị mà dựa vào 2 yếu tố: lòng tin của người tham gia và số người tham gia mới. BSN cho rằng đây là đặc điểm của loại hình lừa đảo theo mô hình Ponzi.
Ngoài ra, các hình thức tham gia hoạt động bất kỳ để kiếm tiền như play-to-earn (chơi game để kiếm tiền), run-to-ear (chạy)… cũng bị các chuyên gia Trung Quốc chỉ trích. Theo họ, lợi nhuận từ mô hình này nằm ở sự cân bằng cực kỳ mong manh và chỉ duy trì được nếu những người tham gia cùng tin tưởng vào đó.