Tối 29.3, Ronin Network đã bị tin tặc tấn công và Axie Infinity chịu thiệt hại hơn 617 triệu USD. Theo thống kê của Ronin Network đăng tải trên Twitter vào thời điểm vụ tấn công, đã có 173.600 Ethereum (ETH) và 25,5 triệu USDC bị đánh cắp; sự cố cũng khiến Ronin Bridge và sàn DEX Katana phải ngưng hoạt động.
Nhà phát triển Axie Infinity sắp bồi thường cho các nạn nhân vụ hack Ronin |
chụp màn hình |
Theo Bloomberg, trong tháng 4.2022, Sky Mavis đã huy động thành công khoản đầu tư trị giá 150 triệu USD, dẫn đầu bởi sàn giao dịch tiền điện tử mã hóa lớn nhất thế giới – Binance – và đứng sau đó là những cái tên Animoca Brands, Dialectic, Paradigm… Sky Mavis cho biết dòng vốn đầu tư này được sử dụng để khắc phục sự cố tấn công vào Ronin, đền bù cho các nạn nhân và công tác tăng cường bảo mật để tránh một cuộc tấn công tương tự trong tương lai.
Các chuyên gia nhận định rằng việc Sky Mavis tiến hành bồi thường cho các nạn nhân sẽ giúp nhà phát triển cứu vãn niềm tin trong cộng đồng từng đổ tiền vào chơi game Axie Infinity.
Trước vụ tấn công, Axie Infinity từng bị nghi là một tựa game “ponzi” vì phương thức kiếm tiền của nó chủ yếu dựa vào việc người chơi vào sau mua lại thú của người vào trước theo tỉ giá thị trường và một khoản phí giao dịch mạng lưới, hay nói dễ hiểu hơn là dùng tiền người vào sau trả cho người trước.
Tuy vậy, trên thực tế thì cơ chế của các tựa game “play-to-earn” sẽ bắt người chơi phải thực hiện một loạt nhiệm vụ được giao hằng ngày để chăm sóc và nuôi lớn thú cưng. Sau khi đã bán thú cưng cho người khác, họ phải tiếp tục chơi, còn không thì những con thú còn lại sẽ không thể tự sinh sản. Như vậy, người dùng sẽ phải tiếp tục chơi để kiếm tiền và điều này hoàn toàn trái ngược với phong cách “lùa rồi chạy” của đa cấp. Đồng thời, Sky Mavis không đưa ra bất kỳ lời hứa hẹn thu nhập khủng hay tương tự đến người dùng.