Có thể nói, đã tới thời điểm mà các trợ lý ảo trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Chúng giúp con người thực hiện đủ thứ việc, từ viết email, làm báo cáo, dịch thuật, viết code hay thậm chí là tâm sự.

Nhưng bạn đã bao giờ thử dùng AI để kiểm soát chi tiêu cá nhân chưa? Nếu chưa, hãy thử dùng Rolly, ứng dụng mà có người đã hài hước gán cho biệt danh “Duolingo tài chính”, với biệt tài khiến bạn không biết giấu mặt đi đâu với mỗi chi tiêu của bản thân. Với vốn từ sâu rộng và xéo sắc, Rolly đang “gây bão” trên Facebook những ngày gần đây.

Nói một cách đơn giản nhất, Rolly là một trợ lý ảo, sẽ giúp bạn tự động sắp xếp, phân loại, tính toán số dư tài khoản dựa trên đầu vào (tiền vào, tiền ra) được bạn cung cấp qua tin nhắn. Điểm thú vị là bạn có thể cài đặt các tính cách khác nhau cho Rolly, để việc phản hồi thêm phần thú vị. Hiện tại, Rolly đang có mức giá 499.000 đồng cho gói trọn đời trên iOS, với các tính năng như tạo nhiều ví khác nhau, phân tích chi tiêu nâng cao…

Sau khi đăng ký, bạn có thể thiết lập một số thông tin cơ bản ban đầu, như tính cách của Rolly (Vui vẻ, Buồn bã, hay Tức giận), cũng như số dư ví đầu tiên.

Tiếp theo, bạn có thể cài đặt các danh mục chi tiêu cho Rolly tiện sắp xếp. Bạn có thể thêm các mục mặc định hoặc tự cài đặt.

Ngoài những mục có sẵn (chỉ có tiếng Anh), bạn có thể thêm các mục chi tiêu tự cài đặt.

Nhưng điểm khiến nhiều người thích thú nhất về Rolly có lẽ là cá tính của nhân vật AI này. Nếu bạn chọn Rolly màu đỏ (phiên bản Tức giận), nó sẽ nhắc nhở bạn không khác gì một người mẹ (hoặc người vợ) khó tính với từng chi tiêu cá nhân.

Sau khi cài đặt xong, người viết có thử thêm vài chi tiêu ban đầu. Sau 2 chi tiêu đầu tiên của buổi sáng (tiền ăn và tiền đổ xăng) với thái độ khá hòa nhã, thậm chí tán dương, Rolly “lật mặt nhanh hơn bánh tráng” với các chi tiêu sau đó. Không chỉ nhắc nhở, nó còn mỉa mai, mắng nhiếc rất “có nghề” với từng chi tiêu.

Dưới đây là tổng hợp một số pha xéo sắc của Rolly:

Thái độ của Rolly ngày càng gay gắt với từng chi tiêu, nhất là chi tiêu lớn. Không chỉ gay gắt, AI này còn biết mỉa mai, ví von, nghe “khó chịu vô cùng”.

Nhưng điều bất ngờ hơn là AI này còn gay gắt với người dùng, không tiếc lời mắng nhiếc chúng ta.

Chi tiêu nhỏ xíu mà cũng gắt gỏng nữa.

Đôi khi, AI này cũng tỏ ra quan tâm theo cách rất gia trưởng, nhưng cứ mắng như vậy thì ai dám tiêu nhiều đây?

Có điều, không rõ là vì phiên bản tiếng Việt của Rolly chưa hoàn thiện, hay việc lấy dữ liệu huấn luyện có vấn đề, mà cách xưng hô của AI này vẫn chưa thống nhất lắm. Lúc vui vẻ thì bạn – tôi, lúc giận hơn lại dám xưng mày hoặc con với người dùng. Có lẽ nhà phát triển nên cải thiện và làm cách xưng hô thống nhất hơn để khi mắng cũng “ra dáng” một chút.

Bạn có thể chọn 2 tính cách khác cho Rolly, đó là Rolly Vui vẻ và Rolly Buồn bã. Tuy nhiên qua trải nghiệm, 2 phiên bản này thể hiện kém hơn Rolly Giận dữ, câu trả lời vẫn khá “giả trân” và đôi khi lẫn lộn tiếng Anh, tiếng Việt.

Rolly Buồn bã…

Cũng như Rolly Vui vẻ còn thiếu cá tính và hơi nhiều lỗi.

Ngoài ra, Rolly cũng sẽ có mục thống kê các khoản chi tiêu của bạn. Tuy nhiên, một lỗi quan trọng mà người viết phát hiện ra là mặc dù trong phần biểu đồ chi tiêu, Rolly liệt kê đầy đủ các khoản chi theo từng danh mục, thì ở phần biến động số dư, Rolly “bỏ quên” một chi tiêu quan trọng là khoản chi phí 988.000 đồng đặt homestay. Ngoài ra, đối với các chi tiêu đặc biệt trong danh mục mà người dùng tự thêm vào, Rolly không thể tự phân loại mà chỉ có thể phân loại theo các danh mục app có sẵn. Do đó, người dùng phải tự phân loại bằng tay sau khi thêm chi tiêu.

Biểu đồ thống kê và biến động thu chi của Rolly còn nhiều điểm cần cải thiện.

Cuối cùng, bên cạnh mục thêm các khoản thu chi, Rolly cũng hỗ trợ bạn trả lời các câu hỏi liên quan đến tài chính cá nhân. Tuy nhiên, đôi khi nó sẽ không hiểu đúng ý, và cũng sẽ không lưu lại cuộc trò chuyện sau khi rời đi (ít nhất là với bản miễn phí). Hơn nữa, bản miễn phí sẽ giới hạn số lần được hỏi.

Tóm lại, cho đến thời điểm này, Rolly vẫn chỉ là một trợ lý ảo hỗ trợ vui vẻ trong việc ghi lại chi tiêu. Tuy nhiên, những điểm yếu cần cải thiện vẫn còn khá nhiều, khiến ứng dung này chưa thật sự phù hợp cho việc quản lý tài chính nghiêm túc. Bạn đã trải nghiệm AI tài chính “cục súc” này chưa? Hãy chia sẻ suy nghĩ dưới phần bình luận nhé.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây