Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có nền kinh tế số phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, có vị trí địa chính trị chiến lược, có lực lượng lao động trẻ dồi dào am hiểu công nghệ, cơ sở hạ tầng được đầu tư ngày càng hiện đại, thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.
Theo dự báo của Gartner, ngành công nghiệp bán dẫn có doanh thu 620 tỷ USD vào năm 2024 và sẽ tăng mạnh lên 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Đối với riêng thị trường Việt Nam, Hiệp hội bán dẫn toàn cầu (SEMI) ước tính, thị trường bán dẫn của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 18,23 tỷ USD trong năm nay, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 11,48%. Đến năm 2029, quy mô thị trường dự kiến sẽ đạt 31,39 tỷ USD.
Để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam, bên cạnh chính sách, hạ tầng và môi trường, thì nhân lực được coi là yếu tố vô cùng quan trọng để thúc đẩy ngành này. Trong bối cảnh đó, mới đây, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ KH&ĐT đã phối hợp với Đại học (ĐH) Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (HCM) và Hiệp hội bán dẫn SEMI tổ chức Diễn đàn “Hợp tác toàn cầu trong phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn”.
Toàn cảnh Diễn đàn “Hợp tác toàn cầu trong phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn”
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm cho biết, trong những năm vừa qua, Việt Nam đã chủ động triển khai rất nhiều các giải pháp cụ thể để thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển toàn diện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo môi trường thúc đẩy nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ; khuyến khích và ưu tiên thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng đến các dự án công nghệ cao trong lĩnh vực bán dẫn.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 với mục tiêu đào tạo được 50.000 kỹ sư, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn đến năm 2030.
“Sự đầu tư, hỗ trợ vào nguồn nhân lực trẻ Việt Nam là chìa khóa để mở cánh cửa tương lai tươi sáng và bền vững hơn, mang lại lợi ích to lớn cho cả Việt Nam và cả DN”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm khẳng định.
Chìa khóa để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành bán dẫn Việt Nam
Mặc dù ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đang phát triển nhanh chóng, song theo bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP. HCM hiện nay, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Theo Trung tâm Dự báo Nhu cầu Nhân lực và Thông tin Thị trường Lao động TP. HCM, Việt Nam chỉ mới đáp ứng khoảng 20% nhu cầu lao động trong lĩnh vực bán dẫn đất nước, và trong số đó, chỉ 20% kỹ sư đạt tiêu chuẩn cho ngành công nghệ cao; phần còn lại cần phải được đào tạo thêm. Dự báo đến năm 2030, Việt Nam sẽ cần khoảng 30.000 – 50.000 kỹ sư trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP. HCM
Để giải quyết vấn đề này cũng như đạt được mục tiêu đào tạo được 50.000 kỹ sư, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn đến năm 2030, nhiều chuyên gia cho rằng việc tăng cường hợp tác giữa các cơ sở giáo dục, chính phủ và doanh nghiệp là vô cùng quan trọng.
Chia sẻ tại diễn đàn, bà Đỗ Thị Thu Hương, Giám đốc Quan hệ chính phủ Việt Nam, Tập đoàn Intel đã chỉ ra 3 khía cạnh Việt Nam nên tập trung để tăng cường hợp tác giữa các cơ sở giáo dục, chính phủ và doanh nghiệp.
Đầu tiên là phát triển và điều chỉnh chương trình giảng dạy kết hợp với những tư vấn của các doanh nghiệp trong ngành. Bên cạnh đó, đại diện Intel cho rằng, phía chính phủ cũng có thể hỗ trợ tài chính, nguồn lực và chính sách để phát triển chương trình giảng dạy này.
“Từ góc độ của Intel, với vai trò là một công ty toàn cầu, đã hợp tác với ASU (Đại học bang Arizona) và các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ từ những ngày đầu. Chương trình HIP (Higher Education Partnership) của chúng tôi đã đào tạo khoảng 9.000 giáo sư và giảng viên đại học về lĩnh vực bán dẫn”, bà Hương thông tin.
Không chỉ vậy, theo bà Hương, các doanh nghiệp có thể triển khai các chương trình thực tập và học bổng. Đồng thời, các doanh nghiệp có thể liên kết với các trường đại học triển khai các chương trình hợp tác R&D để thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
“Từ khi Intel bắt đầu hoạt động tại Việt Nam, thông qua các chương trình khác nhau, chúng tôi đã góp phần đào tạo khoảng 8.000 – 10.000 kỹ sư trong lĩnh vực bán dẫn”, bà Hương cho biết.
Đồng quan điểm, Giáo sư Nguyễn Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học CMC cho rằng, việc hợp tác giữa các trường đại học và các công ty là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo cũng cần được cập nhật hàng năm, bao gồm các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (machine learning).
“Sinh viên cần được đi thực tập tại các công ty để học hỏi và thực hành từ các dự án thực tế”, ông Tùng nhận định.
Ngoài ra, đại diện CMC cũng đề xuất doanh nghiệp và nhà trường có thể kết hợp xây dựng các phòng thí nghiệm để các giáo sư và sinh viên có thể cùng nghiên cứu để phát triển sản phẩm mới.
Giáo sư Nguyễn Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học CMC
Còn theo ông Laurent El Ghaoui, Hiệu phó Trường Đại học VinUni, hợp tác quốc tế không nên chỉ dừng ở Chính phủ mà còn từ hiệp hội doanh nghiệp.
“Hợp tác quốc tế không nên chỉ dừng lại ở các học viện mà cần có sự tham gia của các thành phần trong toàn bộ ngành. Tôi thấy nhiều công ty tự xây dựng các chương trình riêng, thực tập riêng của họ. Tại sao họ không hợp lại thành một liên minh?”, Hiệu phó Trường Đại học VinUni đặt câu hỏi.
Ông Laurent El Ghaoui nhấn mạnh, dù mỗi doanh nghiệp đóng góp nhỏ, khi hợp lại sẽ tạo ra sự thay đổi lớn.
“Đây sẽ là mô hình hợp tác quốc tế lý tưởng cho Việt Nam”, đại diện VinUni bày tỏ.