1. Pteranodon và Pterosaurs: Những Kẻ Thống Trị Bầu Trời

Pteranodon và họ hàng của nó, những thằn lằn bay (pterosaurs), là một trong những loài nổi tiếng nhất trong thời tiền sử. Khi còn nhỏ, bạn có thể đã thuộc lòng bộ tứ huyền thoại của thế giới khủng long: Tyrannosaurus rex, Triceratops, Stegosaurus và Pteranodon. Nhưng thực tế, thằn lằn bay không phải khủng long.

Theo nhà cổ sinh vật học Danny Barta, khủng long và thằn lằn bay đã tách nhau từ khoảng 250 triệu năm trước, đây là một khoảng cách dài để có thể tiến hóa đủ lớn và khiến chúng trở thành hai nhóm động vật riêng biệt.

Mặc dù không phải khủng long, thằn lằn bay vẫn là những sinh vật thống trị bầu trời trong suốt hơn 150 triệu năm, một thành tích đáng nể trong thế giới tiền sử.

5 loài động vật tiền sử luôn bị hiểu nhầm là khủng long nhưng thực tế chúng hoàn toàn không phải là khủng long- Ảnh 1.

Pteranodon và Pterosaurs có khả năng bay: Chúng có màng da trải dài từ ngón tay thứ tư đến chân sau, tạo thành đôi cánh lớn giúp chúng bay lượn trên không trung. Trong khi đó, khủng long là nhóm bò sát chủ yếu sống trên cạn, đi bằng hai hoặc bốn chân. Chúng không có khả năng bay.

2. Mosasaurus: Sát thủ của đại dương

Nếu bạn từng xem Jurassic World , hẳn sẽ không quên cảnh Mosasaurus khổng lồ lao lên từ mặt nước và nuốt chửng con cá mập trắng lớn. Tuy nhiên, dù mang trong tên chữ “saur”, nhưng loài bò sát biển này không phải khủng long.

Điểm khác biệt rõ rệt nhất là môi trường sống: trong khi khủng long chủ yếu sống trên cạn thì Mosasaurus lại là sinh vật hoàn toàn dưới nước. Về cấu trúc cơ thể, khủng long có tư thế chân thẳng đứng, còn Mosasaurus lại có vây và thân hình thuôn dài giống cá sấu. Quan trọng hơn, phương thức sinh sản của chúng cũng khác biệt: khủng long đẻ trứng, trong khi Mosasaurus sinh con trực tiếp dưới nước, tương tự cá heo ngày nay. Theo các nhà cổ sinh vật học, Mosasaurus có họ hàng gần hơn với rắn và thằn lằn hiện đại hơn là với khủng long

5 loài động vật tiền sử luôn bị hiểu nhầm là khủng long nhưng thực tế chúng hoàn toàn không phải là khủng long- Ảnh 2.

Mosasaurus là động vật ăn thịt, chúng săn mồi cá, động vật biển có vú nhỏ và các loài bò sát biển khác. Khủng long có chế độ ăn đa dạng hơn, bao gồm cả thịt và thực vật.

3. Dimetrodon: Kẻ săn mồi tồn tại trước thời đại khủng long

Dimetrodon có vẻ ngoài dễ khiến nhiều người nhầm lẫn với khủng long, đặc biệt là lớp vảy thô ráp và chiếc vây lưng đặc trưng. Tuy nhiên, thực tế loài này đã tuyệt chủng khoảng 60 triệu năm trước khi khủng long xuất hiện.

Điều thú vị hơn là Dimetrodon có họ hàng gần với động vật có vú hơn là khủng long. Điểm khác biệt quan trọng nhất nằm ở cấu trúc cơ thể: trong khi khủng long có chân thẳng đứng giúp nâng đỡ cơ thể, chân của Dimetrodon lại trải rộng sang hai bên, giống bò sát nguyên thủy.

Ngoài ra, hộp sọ của Dimetrodon chỉ có một lỗ duy nhất phía sau hốc mắt, trong khi khủng long có hai lỗ lớn giúp cơ hàm bám chắc hơn. Chính vì những đặc điểm này, con người thực chất có quan hệ họ hàng gần với Dimetrodon hơn bất kỳ loài bò sát nào khác.

5 loài động vật tiền sử luôn bị hiểu nhầm là khủng long nhưng thực tế chúng hoàn toàn không phải là khủng long- Ảnh 3.

Dimetrodon có đặc điểm nổi bật là “cánh buồm” lớn trên lưng, được tạo thành từ các gai xương sống kéo dài.

4. Cá sấu tiền sử: Họ hàng xa của khủng long

Cá sấu có vẻ ngoài đáng sợ và đã tồn tại từ thời tiền sử, nhưng chúng không phải là khủng long. Cá sấu có một tổ tiên chung với khủng long, nhưng hai nhánh này đã phân tách từ rất sớm.

Một loài cá sấu cổ đại nổi tiếng là Deinosuchus, dài đến 10 mét, nặng 5 tấn, và có lực cắn mạnh hơn cả cá sấu nước mặn ngày nay. Các nhà khoa học tin rằng Deinosuchus có thể săn cả những con khủng long lớn như Kritosaurus.

Tuy nhiên, cá sấu hiện đại gần như không thay đổi nhiều so với tổ tiên của chúng từ 80 triệu năm trước. Chúng vẫn sử dụng chiến thuật săn mồi hiệu quả như “cuộn tử thần” – một kỹ thuật đã tồn tại từ thời Deinosuchus.

5 loài động vật tiền sử luôn bị hiểu nhầm là khủng long nhưng thực tế chúng hoàn toàn không phải là khủng long- Ảnh 4.

5. Tanystropheus: Sinh vật tiền sử với chiếc cổ dài quá khổ

Tanystropheus là một loài bò sát cổ đại với ngoại hình kỳ lạ: dù dài khoảng 6 mét, nhưng hơn một nửa chiều dài cơ thể của nó lại thuộc về phần cổ. Sự mất cân đối này từng khiến các nhà cổ sinh vật học nhầm lẫn bộ xương của loài này với hai sinh vật khác nhau.

Tuy nhiên, dù trông có phần giống một số khủng long cổ dài, nhưng Tanystropheus thực tế không thuộc nhóm khủng long. Điểm khác biệt quan trọng nhất nằm ở cấu trúc chân: trong khi khủng long có tư thế chân thẳng đứng, giúp nâng đỡ cơ thể và di chuyển linh hoạt trên cạn, thì Tanystropheus lại có kiểu chân bò sát nguyên thủy, trải rộng sang hai bên, khiến dáng đi của nó chậm chạp hơn.

Ngoài ra, loài này xuất hiện khá sớm, vào kỷ Trias – thời kỳ khủng long chỉ mới bắt đầu tiến hóa và chưa thực sự thống trị Trái Đất. Về mặt phân loại, Tanystropheus không thuộc cùng nhóm với khủng long mà có họ hàng xa hơn, tương tự như cách con người có quan hệ họ hàng với vượn, nhưng không phải là vượn.

Dù sở hữu chiếc cổ dài có vẻ bất tiện, Tanystropheus vẫn là một loài thành công trong hệ sinh thái của nó. Các nhà khoa học cho rằng chiếc cổ này giúp nó rình mồi hiệu quả hơn khi săn cá và các loài thủy sinh nhỏ. Hóa thạch của Tanystropheus được tìm thấy tại nhiều nơi trên thế giới, từ châu Âu, Trung Đông đến Bắc Mỹ, cho thấy loài bò sát cổ đại này đã tồn tại ít nhất 10 triệu năm trước khi tuyệt chủng.

5 loài động vật tiền sử luôn bị hiểu nhầm là khủng long nhưng thực tế chúng hoàn toàn không phải là khủng long- Ảnh 5.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây