Đây là sáng kiến tiên phong của Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) và Doanh nghiệp hoạt động xã hội Chống Lừa Đảo (chongluadao.vn), cung cấp giải pháp theo dõi, truy vết trên blockchain, phát hiện dấu hiệu gian lận lừa đảo tài sản số.
Trên thế giới, có nhiều công ty trong lĩnh vực RegTech (regulatory technology – công nghệ hỗ trợ tuân thủ pháp lý) cung cấp dịch vụ truy vết dữ liệu on-chain, đánh giá tính minh bạch của một dự án blockchain. Nhưng chi phí bỏ ra cho việc truy vết dữ liệu blockchain tương đối đắt đỏ, phần lớn người dùng và tổ chức nhỏ lẻ bị thiệt hại sẽ ít có khả năng trang trải các chi phí này.
Nắm bắt nhu cầu đó, VBA đã mở rộng hợp tác với các đối tác quốc tế hàng đầu như Chainalysis, Certik cùng các công ty phân tích dữ liệu trong nước như The DataFi và The Data Nerd, xây dựng cơ sở dữ liệu cho thị trường Web3 tại Việt Nam, với mục tiêu trở thành nguồn cung cấp dữ liệu với chi phí thấp, dễ tiếp cận, đồng thời đẩy mạnh chất lượng và uy tín của các báo cáo đầu ra.
Ông Phan Đức Trung – Phó Chủ tịch thường trực VBA cho biết: “Các giải pháp RegTech ở nước ngoài đang được tính chi phí rất cao, hướng đến phân khúc khách hàng doanh nghiệp, tổ chức. Ở phân khúc khách hàng truyền thống chưa có nhiều kinh nghiệm, chúng tôi có sáng kiến ChainTracer hoàn toàn phi lợi nhuận, với mong muốn cung cấp các báo cáo on-chain đạt chất lượng không thua kém các báo cáo từ các công ty RegTech trên thế giới”.
Tại Việt Nam, các đơn vị nghiên cứu dữ liệu Web3 hiện rất ít, vậy nên ông Trung mong muốn có sự kết hợp các công ty dữ liệu Việt Nam với công ty RegTech nước ngoài trong các mảng KYC và AML/CFT.
“Việc mở rộng hợp tác với các công ty phân tích dữ liệu blockchain và bảo mật Web3 hàng đầu trên thế giới như Chainalysis và Certik,… giúp ChainTracer có thêm nguồn dữ liệu cần thiết và quý giá để hoàn thiện các báo cáo về tình hình lừa đảo hiện nay. Các mối quan hệ hợp tác đặc biệt này cũng cho thấy uy tín mạnh mẽ của VBA trên trường quốc tế trong công tác nhận diện, chống lại các hoạt động gian lận”, ông Trung nhấn mạnh.
Tiền thân của ChainTracer là Đề án “Thử nghiệm giám sát tài sản số trên không gian mạng Blockchain – On-Chain Tracking”, cho phép mọi người báo cáo dự án token/coin có dấu hiệu không minh bạch thông qua Cổng báo cáo lừa đảo trên website VBA.
Sau một thời gian tiếp nhận ý kiến đóng góp từ cộng đồng, đề án On-Chain Tracking phát triển thành chương trình ChainTracer, được công bố chính thức vào tháng 5.2023. Trong năm 2023, ChainTracer là một trong 4 chương trình hành động trọng điểm của VBA, do ông Hiếu Ngô (Hiếu PC) – thành viên Ban An toàn Thông tin Hiệp hội Blockchain Việt Nam phụ trách.
Theo ông Ngô Minh Hiếu, sau 3 tháng ra mắt, ChainTracer đã và đang nhận được sự quan tâm của đông đảo người dùng. Đây là tín hiệu tốt cho thấy vấn đề an toàn, bảo mật thông tin trên mạng internet, đặc biệt là Web3 và bảo vệ tài sản số đang ngày càng được chú trọng. ChainTracer có sứ mệnh phát hiện và ngăn chặn những hành vi lạm dụng công nghệ blockchain để tiến hành lừa đảo, đặc biệt trong lĩnh vực tài sản số, hướng đến mục tiêu bảo vệ người dùng giữa bối cảnh các quy định pháp luật Việt Nam còn chưa đầy đủ.
Trước đó, trong khuôn khổ Hội thảo tập huấn trực tuyến chuyên đề “Tiền điện tử” do Tòa án Nhân dân Tối cao tổ chức trực tiếp và trực tuyến tại 63 tỉnh thành, VBA đã chia sẻ chương trình ChainTracer với các lãnh đạo Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam và các đại diện đến từ ngành tư pháp, hành pháp đến từ Mỹ.
Trước khối lượng thông tin quý giá và khổng lồ, cùng với sự kết nối và chia sẻ với các tên tuổi lớn trong ngành như Cetik, Chainalysis,… mà chương trình ChainTracer đã làm được, ông Scott Bradford (Công tố viên Mỹ, Cục Sở hữu trí tuệ và Tấn công mạng Khu vực Đông Nam Á) và ông Samuel Juett (Điều phối viên Chương trình Thực thi Pháp luật và Tư pháp Hình sự Cục phòng chống Ma túy và Thực thi pháp luật Quốc tế) bày tỏ sự trân trọng và đánh giá cao nỗ lực của VBA trong việc nhận diện các hành vi và đối tượng lừa đảo.
Đặc biệt, ông Trung đã đặt vấn đề với đại diện phía Mỹ về việc phối hợp giữa Hiệp hội Blockchain Việt Nam với các cơ quan tư pháp và hành pháp nước này trong việc yêu cầu các tổ chức liên quan trực tiếp đến giao dịch tài sản số phải hợp tác để cung cấp thông tin và có hành động bảo vệ người dùng.
Trong khi đó tại Việt Nam, do thiếu khung pháp lý nên các cơ quan quản lý nhà nước chưa có động thái quản lý cụ thể, vì vậy vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp như Hiệp hội Blockchain Việt Nam trong việc hỗ trợ và bảo vệ người dùng là rất cần thiết.
Đáp lại câu hỏi của ông Trung, ông Scott Bradford cho biết sẽ chuyển vấn đề này lên các cấp cao hơn để tìm kiếm một biện pháp phối hợp phù hợp nhất giữa Việt Nam và Mỹ nói chung và các cơ quan hành pháp, tư pháp cụ thể giữa hai bên để có thể hỗ trợ phía Việt Nam giải quyết các vấn đề và xử lý các trường hợp liên quan đến lừa đảo trên không gian mạng.
Trong thời gian tới, VBA sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình ChainTracer, hướng tới xây dựng sản phẩm mới có nhiều tính năng nâng cao, thân thiện với người dùng như Browser’s Extension (Phần mở rộng trình duyệt), Website, App (Ứng dụng).