Bà Ngô, một phụ nữ 75 tuổi sống tại Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, đã nghỉ hưu từ lâu và có một mức lương hưu khá, đủ để bà sống thoải mái mà không lo lắng về chi phí sinh hoạt hàng ngày. Bà còn có khả năng tiết kiệm được một khoản tiền kha khá. Thường ngày, bà thích ra ngoài đi bộ và giao lưu với bạn bè, tận hưởng cuộc sống hưu trí yên bình.
Tuy nhiên, mọi chuyện đột nhiên thay đổi khi bà Ngô nhận được một cuộc điện thoại từ một số máy lạ. Trái với thói quen không bao giờ nghe máy từ số lạ, lần này bà nhấc máy và người ở đầu dây bên kia tự xưng là cảnh sát từ Cục Công an tỉnh Quảng Đông.
Bà Ngô không khỏi bất ngờ và hoang mang trước thông tin người đàn ông cung cấp. Anh ta thông báo rằng Cục Công an tỉnh Quảng Đông đang điều tra về những hoạt động phạm pháp ở nước ngoài, trong đó có việc rửa tiền liên quan đến nhiều tài khoản ngân hàng, và thẻ ngân hàng của bà Ngô nằm trong số đó.
Theo lời của người đàn ông, vì liên quan đến chiếc thẻ ngân hàng này, bà Ngô bị nghi ngờ có dính líu tới hoạt động tội phạm và cần phải chuyển số tiền trong thẻ vào tài khoản do cơ quan công an chỉ định để tiện việc giám sát.
Bà Ngô cảm thấy không tin tưởng, nhưng lại không thể không chú ý khi người đàn ông gửi cho bà một bức ảnh có chứa thông tin cá nhân đầy đủ của bà, như là một lệnh bắt giữ. Bên kia điện thoại, người đàn ông tiếp tục nhấn mạnh rằng nếu bà không tuân theo thì sẽ bị truy nã và bắt giữ. Bà Ngô cảm thấy vô cùng hoảng sợ trước những lời đe dọa đó và sau cùng đã quyết định chuyển khoản toàn bộ số tiền tiết kiệm, lên đến 500.000 NDT (khoảng 1,7 tỷ VNĐ), cho người mà bà tin là “công an”.
Nhưng một phần của bà vẫn còn hoài nghi. Khi đến ngân hàng, bà không trò chuyện bình thường mà đã viết trên một tờ giấy 10 chữ: “Đừng nói chuyện với tôi. Tôi đang bị theo dõi.” Nhân viên ngân hàng ban đầu hơi bất ngờ trước yêu cầu của bà nhưng sau đó đã nhanh chóng báo cáo với bộ phận an ninh của ngân hàng.
Chỉ trong vòng 10 phút, công an đã có mặt tại ngân hàng. Bà Ngô vẫn trong trạng thái hoảng loạn, tưởng rằng mình sắp bị bắt giữ, nhưng nhờ sự giải thích và trấn an của nhân viên ngân hàng và công an, bà dần lấy lại bình tĩnh. Bà Ngô sau đó được đưa về đồn cảnh sát để cung cấp thông tin, nhưng do số điện thoại của kẻ lừa đảo có nguồn gốc quốc tế, việc điều tra và tìm kiếm nguồn gốc của vụ lừa đảo trở nên khó khăn và cần thêm thời gian.
Vụ việc này là một hồi chuông cảnh tỉnh cho công tác phòng chống lừa đảo, đặc biệt là đối với những người lớn tuổi, những người không quen thuộc với công nghệ mới và không có khả năng phân biệt thông tin thật giả. Đối tượng này rất dễ bị tổn thương trước những kẻ lừa đảo tinh vi.
Vì vậy, bên cạnh việc điều tra và truy bắt những đối tượng lừa đảo, cần phải có những biện pháp tuyên truyền kiến thức phòng chống lừa đảo một cách rộng rãi và hiệu quả, để mọi người, nhất là những người cao tuổi, có đủ kiến thức và tự tin để bảo vệ bản thân khỏi những tình huống nguy hiểm tương tự.
Nguồn: Sohu