Vừa qua, Ủy ban Đối ngoại phối hợp với Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) tổ chức Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về phát triển công nghệ chuỗi khối và khuyến nghị cho Việt Nam” tại Tòa nhà Quốc hội, Hà Nội. Hội thảo nhằm mục đích học hỏi, thảo luận và đưa ra những kinh nghiệm thực tiễn khi ứng dụng blockchain vào các lĩnh vực kinh tế cụ thể ở từng quốc gia.
Quản lý tài sản mã hóa là ưu tiên hàng đầu
Bà Pamnella DeVolder – Quyền Phó Đại sứ của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam có bài phát biểu về góc nhìn của Mỹ trong việc xây dựng chính sách quản lý tài sản mã hóa. Chính phủ Mỹ lấy việc quản lý tài sản mã hóa (crypto asset) làm trọng vì phần lớn các cơ sở đào tiền mã hóa, sàn giao dịch và quỹ đầu tư lớn trên thế giới đều đang tập trung ở Mỹ.
Bà Pamnella DeVolder – Quyền Phó Đại sứ của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam có bài phát biểu về góc nhìn của Mỹ |
Tháng 3.2022, chính phủ Mỹ ban hành Sắc lệnh hành pháp về Đảm bảo phát triển có trách nhiệm các tài sản kỹ thuật số. Mỹ cũng tham gia vào việc thiết lập các tiêu chuẩn chung cho tài sản mã hóa, chẳng hạn Bộ quy tắc Chính sách Công của G7 về đồng tiền kỹ thuật số bán lẻ của Ngân hàng Trung ương (CBDC), tham gia lộ trình của G20 về phát triển thanh toán xuyên biên giới và tuân thủ hướng dẫn của lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF) về tài sản ảo. Đến thời điểm hiện tại, Mỹ được đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thiết lập hệ thống pháp lý cho tài sản mã hóa.
Kiểm soát chặt chẽ các sàn giao dịch tiền mã hóa
Năm 2014, thị trường tiền mã hóa Nhật Bản từng rúng động khi máy chủ của sàn giao dịch Mt. Gox bị tấn công, khiến các nhà đầu tư mất trắng số Bitcoin trị giá hàng trăm triệu USD. Trong bối cảnh đó, chính phủ Nhật Bản đã tiến tới sửa đổi Luật dịch vụ thanh toán và Luật phòng chống chuyển tiền từ nguồn thu phạm pháp, qua đó đưa tài sản mã hóa đặt dưới sự quản lý của quy định pháp luật.
Ông Hidaka Yoshihito – Bí thư thứ nhất Ban kinh tế của Đại sứ quán Nhật cho biết, các công ty điều hành sàn giao dịch phải đăng ký hoạt động với Cơ quan dịch vụ tài chính Nhật Bản và thực hiện nghĩa vụ chống rửa tiền, bảo vệ người sử dụng. Vào các năm 2019, 2022, Nhật Bản tiếp tục tiến hành sửa đổi các luật liên quan để theo kịp biến chuyển của thị trường và đang trong quá trình xem xét xây dựng quy chế đối với đơn vị phát hành stablecoin.
Bà Nicole Wyrsch – Đại biện lâm thời của Đại sứ quán Thụy Sĩ |
Đề cao quyền tự do lựa chọn công nghệ
Chính phủ Thụy Sĩ đề cao tính trung lập về công nghệ. Theo đó, các quan chức chính phủ không nên là người quyết định sử dụng công nghệ nào mà bản thân người dân và các doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm trong việc này.
Bà Nicole Wyrsch – Đại biện lâm thời của Đại sứ quán Thụy Sĩ cho biết: “Một trong các nguyên tắc rất quan trọng tại Thụy Sĩ là đảm bảo các khuôn khổ pháp lý không cản trở hoạt động đổi mới công nghệ, và cần phải thân thiện với hoạt động đổi mới công nghệ. Điều này giúp cho Thụy Sỹ có được một hệ sinh thái blockchain rất năng động như hiện nay”. Chính vì lẽ đó, Thụy Sĩ được xem là một trong những trung tâm tài chính quan trọng nhất thế giới trong lĩnh vực fintech và blockchain.