DeFi có nhiều lợi ích nhưng cũng nhiều rủi ro và có thể tồn tại song hành cùng tài chính truyền thống mà không loại trừ lẫn nhau, nhưng trước hết các dịch vụ DeFi cần phải tìm hướng đi bằng cách giải quyết những vấn đề về bảo mật, tuân thủ quy định chống khủng bố, rửa tiền (AML/CFT).

Trước khi cái tên DeFi được dùng để gọi những sản phẩm và dịch vụ tài chính phi tập trung dựa trên blockchain thì Bitcoin đã là ứng dụng blockchain đầu tiên mang những đặc tính của DeFi”, ông Trần Dinh đưa ra một xuất phát điểm của DeFi trong buổi thảo luận “How DeFi can defy finance elites to empower all?”, thuộc khuôn khổ Vietnam Blockchain Summit 2022 tại Hà Nội.

Là người đứng đầu một trong những công ty phát triển về deal sourcing tại Việt Nam, với kinh nghiệm nhiều năm trong mảng blockchain, fintech, ông Trần Dinh cho biết DeFi trao quyền cho các cá nhân tiếp cận dịch vụ tài chính dù có tài khoản ngân hàng hay không, chỉ với một chiếc smartphone. Dựa vào các hợp đồng thông minh (smart contract), DeFi đem đến những lợi ích như giảm chi phí, vay tiền nhanh, quản lý tài sản,…

Năm 2021, thị trường DeFi bùng nổ với chỉ số TVL chạm mốc hơn 200 tỉ USD. TVL (Total Value Locked) là chỉ số dùng để đánh giá sự phát triển của một dự án DeFi. Nasdaq định nghĩa TVL là tổng số tài sản được gửi trong các giao thức DeFi để người dùng có thể nhận phần thưởng, token, lãi suất…

DeFi trao quyền cho các cá nhân tự kiểm soát tài chính của chính mình

KYC trong DeFi – một vấn đề gây tranh cãi

Dù DeFi có nhiều lợi ích nghe chừng hấp dẫn, nhưng theo báo cáo của Chainalysis, năm 2022 đã có 2 tỉ USD bị hack do kẻ xấu khai thác những lỗ hổng trên DeFi, khiến các nhà đầu tư e ngại khi đổ tiền vào lĩnh vực này.

Muốn đảm bảo an toàn cho môi trường DeFi, một câu hỏi được đặt ra là có cần KYC (quy trình nhận biết khách hàng – Know Your Customer) trong DeFi hay không, khi mà KYC đang được cho là đi ngược lại với triết lý phi tập trung của DeFi”, ông Trần Dinh cho biết.

Đây cũng là bài toán thổi bùng tranh cãi giữa các tên tuổi lớn trong ngành. Ngày 30.10, Vitalik Buterin – “cha đẻ” mạng Ethereum nhận định việc KYC qua front-end của website sẽ chỉ làm phiền người dùng và không thể ngăn chặn tin tặc. Trong khi đó, Sam Bankman-Fried – CEO sàn FTX lại ngả về hướng ủng hộ KYC cho các sàn giao dịch phi tập trung như UniSwap, khuyến khích các sàn phải xin giấy phép của cơ quan quản lý để hoạt động ở Mỹ.

Đa số các sàn giao dịch phi tập trung (DEX) hiện nay đều không yêu cầu khách hàng phải thực hiện KYC để giữ tính ẩn danh trong quá trình giao dịch. Nhưng một kịch bản có thể xảy ra là thế giới DeFi sẽ phát triển theo hai hướng, trong đó có những người đồng ý với việc KYC và tuân thủ quy định pháp luật, nhóm còn lại sẽ sử dụng các dịch vụ DeFi mà không có KYC.

Theo ông Trần Dinh (trái), KYC trong DeFi đang là vấn đề gây chia rẽ

Thực tế, quy trình KYC không hề tác động đến tính phi tập trung của DeFi. Vì việc KYC không cần một thực thể trung tâm đứng ra thực hiện mà có thể dùng các giao thức DeFi tạo ra cơ chế cho phép thực hiện KYC và xác nhận chủ sở hữu của một ví điện tử. Sau khi xác minh danh tính thành công và sàng lọc AML, các địa chỉ ví đáng tin cậy sẽ được đưa vào whitelist. Bằng cách này, một giao thức DeFi vẫn giữ được tính phân quyền nhưng độ tin cậy và bảo mật sẽ tăng lên rất nhiều.

Khi có KYC, DeFi có thể tiến đến phổ biến rộng rãi với số đông, chẳng hạn PayPal và Robinhood đang yêu cầu sàn giao dịch UniSwap và OpenSea thực hiện KYC để được tích hợp dịch vụ vào PayPal và Robinhood. Do đó, việc tuân thủ quy định sẽ mở ra cơ hội cho nhiều người tiếp cận DeFi và hướng đến tương lai triển vọng hơn cho thị trường này.

Được biết, Lực lượng Đặc nhiệm Hành động Tài chính quốc tế (FATF) đã công bố một hướng dẫn mới cho các nhà cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa (VASP) với trọng tâm mới là DeFi, trong đó FATF kêu gọi kiểm tra những nền tảng DeFi không có KYC và AML.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây