Theo quy định tại Khoản 3, Điều 26, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định về giao thông trên cao tốc thì tài xế chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định. Trường hợp buộc phải dừng xe, đỗ xe không đúng nơi quy định thì người lái xe phải đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy, nếu không thể được thì phải báo hiệu để người lái xe khác biết.

Cũng theo quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008, làn dừng xe khẩn cấp trên cao tốc chỉ được sử dụng trong một số trường hợp cấp bách và khẩn cấp như phương tiện gặp sự cố về kỹ thuật, người lái hoặc hành khách trên xe có vấn đề sức khỏe không thể tiếp tục điều khiển xe an toàn.

Những trường hợp này bao gồm xe bị hư hỏng, người trên xe cần được cứu hộ y tế, hoặc người lái xe gặp phải tình huống cấp bách khác mà không thể tiếp tục lái xe.

 - Ảnh 1.

Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định tài xế chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định.

Pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về việc dừng xe để đi vệ sinh trên cao tốc nên trường hợp dừng xe để đi vệ sinh không được xem là một tình huống khẩn cấp đủ để được phép sử dụng làn khẩn cấp.

Theo Điều 25 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 (sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025) quy định tài xế chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định. Trường hợp gặp sự cố kỹ thuật hoặc bất khả kháng khác buộc phải dừng xe, đỗ xe thì được dừng xe, đỗ xe ở làn dừng khẩn cấp cùng chiều xe chạy và phải có báo hiệu bằng đèn khẩn cấp.

Trường hợp xe không thể di chuyển được vào làn dừng khẩn cấp, phải có báo hiệu bằng đèn khẩn cấp và đặt biển hoặc đèn cảnh báo về phía sau xe khoảng cách tối thiểu 150 m, nhanh chóng báo cho cơ quan Cảnh sát Giao thông thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên tuyến hoặc cơ quan quản lý đường cao tốc.

Như vậy, dù vẫn còn nhiều tranh cãi về việc cần xem đi vệ sinh là “trường hợp khẩn cấp” nhưng trong Luật Giao thông đường bộ 2008 và Luật Trật tự, an toàn giao thông sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 đều không có quy định đây là trường hợp khẩn cấp.

Theo Điểm d khoản 7, điểm c khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, người dừng, đỗ xe (xe ô tô) sai quy định trên đường cao tốc, không có báo hiệu để người lái xe khác biết khi buộc phải dừng xe, đỗ xe thì bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây