Với cương vị là tổ chức có pháp nhân về blockchain tại Việt Nam, Hiệp hội Blockchain khẳng định quan điểm không ủng hộ các hoạt động sử dụng blockchain cho mục đích bất hợp pháp và sẵn sàng tham gia vào các hoạt động chống rửa tiền trong nước và quốc tế.

Trong những năm qua, nhiều nhóm tin tặc đã xem thị trường tiền mã hóa là mục tiêu “béo bở” để thực hiện các hành vi phạm tội, vì thị trường này chưa được pháp luật quản lý và không có trung gian đứng ra chịu trách nhiệm cho các giao dịch. Đằng sau mỗi vụ tấn công, ngoài vấn đề bảo mật, còn một bài toán nan giải khác cần giải quyết: hoạt động rửa tiền.

Theo Crystal Blockchain, năm 2022 có hơn 3,2 tỉ USD tiền mã hóa đã bị đánh cắp do lỗ hổng bảo mật, hơn 7,3 tỉ USD đã bị đánh cắp từ các vụ lừa đảo (scam) và hơn 4.030 tỉ USD từ các vụ hack DeFi. Nhưng đó chỉ mới là số liệu ước tính từ các hoạt động phạm tội trên không gian mạng, chưa kể đến các hành vi phạm tội ngoài đời thực và chuyển “tiền bẩn” thành tiền mã hóa.

Ông Trần Dinh – đại diện Hiệp hội Blockchain Việt Nam chụp hình lưu niệm cùng bà Ji-an An – Giám đốc Bộ phận Kiểm soát và Xử phạt Xuất khẩu của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc

Đầu năm 2022, thế giới tiền số chấn động khi Ronin Network – mạng blockchain của công ty Sky Mavis do người Việt sáng lập bị đánh cắp hơn 500 triệu USD, bao gồm 173.600 Ether và 25,5 triệu USDC. Thủ đoạn của tin tặc là dùng sàn giao dịch phi tập trung (decentralized exchange – DEX) để đổi số tiền mã hóa đã đánh cắp, sau đó phân tán tiền đến nhiều địa chỉ ví khác nhau. Cuối cùng, kẻ xấu đem số tiền đã được chia nhỏ gửi đến các sàn tập trung (CEX) và khi ấy đã có thể rút ra tiền mặt mà không lo bị truy vết.

Do đặc tính ẩn danh, cho phép thực hiện các giao dịch xuyên biên giới một cách dễ dàng, tiền mã hóa bị sử dụng như một công cụ để che giấu hành vi phạm tội liên quan đến “tiền bẩn”. Từ nguyên nhân trên, “Phòng chống rửa tiền” là chủ đề chính của Hội nghị chuyên đề “Về chống khai thác mạng đối với các sàn giao dịch tiền mã hóa” do Bộ Ngoại giao Mỹ phối hợp với Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tổ chức ngày 17.11 tại Seoul, Hàn Quốc. Tham gia hội thảo có các đại diện của Hiệp hội Blockchain Việt Nam cùng đóng góp ý kiến, khuyến nghị để thúc đẩy các chính sách chống rửa tiền trong lĩnh vực tiền mã hóa.

Hội nghị chuyên đề do Bộ Ngoại giao Hàn Quốc phối hợp với Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức tại Seoul, Hàn Quốc vào ngày 17.11.2022 vừa qua

Là một tổ chức có uy tín và duy nhất được cấp phép chính thức bởi Bộ Nội vụ Việt Nam, Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) đang hoạt động như một tổ chức phi lợi nhuận nhằm thúc đẩy công nghệ blockchain, bảo vệ lợi ích của cộng đồng tham gia ứng dụng, nghiên cứu về blockchain tại Việt Nam.

Ông Trần Dinh – đại diện Hiệp hội Blockchain Việt Nam bày tỏ mong muốn: “Các Hiệp hội, tổ chức công nghệ nên làm việc cùng nhau để phát triển các tiêu chuẩn an ninh mạng quốc tế cho các dự án blockchain. Chúng tôi mong muốn được tham gia tìm hiểu về AML/CFT từ các tổ chức và hiệp hội quốc tế như Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính Quốc tế (FATF), đẩy mạnh đối thoại chính sách về an ninh mạng. Trên hết, VBA có thể tham gia vào các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng về blockchain bằng cách giáo dục người dân về tài sản số, thanh toán xuyên biên giới, thông qua các hoạt động thiết thực như tọa đàm, hội thảo, xuất bản sách…”.

Trong tương lai, sau khi làm việc với các Hiệp hội, tổ chức về chống rửa tiền, các đơn vị trong lĩnh vực điều tra, bảo mật blockchain, Hiệp hội Blockchain Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng kết nối với Bộ Công thương để tham gia trình bày ở “Hội thảo APEC về thúc đẩy cơ hội kinh doanh thông qua công nghệ thông tin và truyền thông CNTT-TT tại vùng sâu vùng xa” vào ngày 29 – 30.11.2022 diễn ra tại Hà Nội, với mục đích mở rộng sức ảnh hưởng của công nghệ và khai phá tiềm năng kinh doanh ở những vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây