Chuyển đổi số là một tiến trình đang diễn ra rầm rộ tại Việt Nam, trải dài trên nhiều lĩnh vực và đã có được những thành tựu tích cực đáng kể đầu tiên. Theo các chuyên gia, cùng những công nghệ trụ cột như AI (trí tuệ nhân tạo), Big Data (Dữ liệu lớn), IoT (internet kết nối vạn vật)… blockchain có thể trở thành một mảnh ghép quan trọng nếu lĩnh vực nào đó cần tính minh bạch, tự động và bảo mật.
Blockchain mang đến nhiều ích lợi cho quản lý dữ liệu trong chuyển đổi số |
chụp màn hình |
Tuy nhiên, công nghệ này vẫn còn một rào cản cần vượt qua, chính là quan điểm và cách nhìn nhận của người dân nói chung về blockchain. Theo đại diện Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), blockchain là công nghệ được xem như “át chủ bài” trong công cuộc chuyển đổi số, nhưng thường xuyên bị nhầm lẫn với tiền ảo, tiền kỹ thuật số. “Các loại tiền mã hóa (crypto) vốn chỉ là một trong vô vàn ứng dụng của blockchain vào cuộc sống”, đại diện VBA nhấn mạnh.
Trong khi đó, nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã thực sự ứng dụng công nghệ mới vào quá trình quản lý, sản xuất, hoạt động kinh doanh để cải thiện quy trình và nâng cao hiệu quả công việc, tối ưu chi phí, lợi nhuận.
“Khuyết điểm của các nền tảng quản lý truyền thống là chưa đạt được hiệu quả tối ưu so với nguồn lực bỏ ra. Đó là lý do vì sao cần chuyển đổi số. Giống như những công nghệ khác như AI, Big Data, Cloud, IoT… blockchain mang đến sự nâng cấp về quy trình làm việc, tối ưu các khâu vận hành. Từ đó giúp doanh nghiệp tiết kiệm nguồn lực, thời gian và tiền bạc ở những khía cạnh khác mà các công nghệ trước đó chưa làm được, tiêu biểu là việc trao đổi xác thực thông tin dữ liệu”, ông Huy Nguyễn, đồng sáng lập công ty KardiaChain nhận định.
Trong số các ứng dụng sử dụng blockchain phổ biến hiện nay, NFT – token kỹ thuật số độc nhất đang được cho là có tiềm năng trong việc quản lý định danh số của công dân. Còn DeFi, DAO là những cách thức tiếp cận nền kinh tế theo một hướng mới đề cao tính minh bạch nhưng vẫn đảm bảo an toàn, cắt giảm những quy trình liên quan đến con người và được số hóa toàn diện qua sự trợ giúp các chương trình máy tính (dưới dạng hợp đồng thông minh – smart contract) và mạng lưới blockchain.
Theo báo cáo của Grand View Research, quy mô thị trường blockchain toàn cầu được định giá 5,92 tỉ USD vào năm 2021 và dự kiến tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) 85,9% từ năm 2022 – 2030. Trong khi đó, thị trường liên quan đến lĩnh vực này tại Việt Nam ước đạt giá trị gần 2,5 tỉ USD vào năm 2026, tăng gấp 5 lần quy mô so với năm 2021 (số liệu do Marketsand Markets công bố).
Nhằm thay đổi định kiến gắn liền blockchain với tiền kỹ thuật số, thời gian qua nhiều sự kiện đã được tổ chức ở Việt Nam để mang tới cái nhìn tích cực hơn đối với công nghệ mới, vốn được nhiều chuyên gia xem như “chìa khoá vàng” cho chuyển đổi số. Ngày 19 và 20.10 sắp tới, Hội nghị thượng đỉnh Blockchain Việt Nam 2022 với sự tham gia của khoảng 1.000 người, nhiều đại biểu và diễn giả quốc tế sẽ diễn ra tại Hà Nội, đặt mục tiêu mở ra cái nhìn toàn diện về công nghệ này trên nhiều phương diện, trong đó bao gồm khuôn khổ pháp lý dành cho tài sản kỹ thuật số trên khắp thế giới, tiềm năng ứng dụng blockchain vào các ngành mới mẻ như Fintech, cho đến các lĩnh vực truyền thống như y tế, giáo dục, hậu cần, nông nghiệp…