Phiên thảo luận được dẫn dắt bởi bà Lynn Hoàng, Giám đốc quốc gia Binance. Các khách mời gồm: Ông Nguyễn Tiến Huy, CEO – Pencil; ông Leo Đinh, CEO – Sun Wolf; ông Hải Nguyễn – Art Diretor – Sipher.
Từ trái sang phải, ông Hai Nguyen – Art Design Sipher; ông Leo Đinh, CEO – Sun Wolf; ông Nguyễn Tiến Huy, CEO – Pencil, bà Lynn Hoàng – Giám đốc quốc gia Binance |
ctv |
Theo ông Leo Dinh, sáng tạo nghệ thuật vốn là không gian nhạy cảm, có nhiều đặc thù. Nhưng kể từ khi những công nghệ mới như AI xuất hiện, các vấn đề gây tranh cãi về bản quyền, đạo đức nghề nghiệp xuất hiện ngày một nhiều. Trong khi người dùng khắp thế giới và Việt Nam đang hào hứng với Lensa – ứng dụng vẽ tranh bằng AI thì nhiều nghệ sĩ lại ra sức phản đối, nói không với AI.
Tuy nhiên CEO Sun Wolf cho rằng AI sẽ là bước tiến tiếp theo không thể chối bỏ của công nghệ. Trí tuệ thông minh đang giúp các nghệ sĩ sáng tạo nhanh hơn, giúp họ phát triển nguồn cảm hứng và thay thế những công việc lặp đi lặp lại hằng ngày.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Tiến Huy, CEO Pencil nhận định AI chỉ có thể thay thế một phần công việc của nghệ sĩ nhưng không thể làm công việc sáng tạo vì nó chỉ là máy móc. “Chúng ta nên nhìn AI như một công cụ phục vụ sáng tạo như Photoshop, Illustrator hay bảng vẽ điện tử Wacom. Họa sĩ phải làm chủ công cụ rồi sáng tạo chứ không nên phụ thuộc”, ông Huy nói.
Liên quan đến vấn đề đạo đức trong sáng tạo nghệ thuật, các diễn giả cho rằng đây vẫn là chủ đề gây tranh cãi khắp thế giới. Ông Huy lấy ví dụ thực tế khi một nghệ sĩ vừa qua đời, các phong cách của ông được đưa vào một mô hình AI mà chưa được sự đồng ý. “Câu hỏi đặt ra ở đây là phong cách nghệ thuật có nên được xem như một loại tài sản trí tuệ, cần được pháp luật bảo vệ và con AI này có đang phạm pháp khi học những phong cách này không, các tác phẩm ra đời sẽ thuộc bản quyền của ai? Đây vẫn là những câu hỏi chưa có câu trả lời”, ông Huy nói.
Tiếp nối câu chuyện bản quyền trong sáng tạo nghệ thuật, bà Lynn Hoàng, Giám đốc quốc gia Binance cho rằng các công nghệ như NFT đang trở thành công cụ tốt để các digital artist chứng minh được nguồn gốc của tác phẩm, tránh bị đạo nhái.
Tuy nhiên mặt trái là NFT đang bị lạm dụng quá nhiều để phục vụ cho các mục đích tài chính. “NFT nên được xem là một công cụ để chứng thực bản quyền, tính độc bản của tác giả chứ không nên là một điều kiện khiến một tác phẩm bị thổi phồng giá quá cao. Giá trị cốt lõi của tác phẩm phải nằm ở tính nghệ thuật. Có chăng công nghệ chỉ nên là giá trị mở rộng giúp nghệ thuật có tính xác nhận, thanh khoản tốt hơn”, bà Lynn nói.
Các nghệ sĩ cho rằng những công nghệ mới như AI, NFT sớm muộn sẽ trở thành một phần không thể chối bỏ trong không gian sáng tạo nghệ thuật. Tuy nhiên về lâu dài, các nghệ sĩ nên xác định giá trị của tác phẩm phải nằm ở nội tại giá trị nghệ thuật của tác phẩm chứ không phải công nghệ mang tính xu hướng.