Motor1 đã có một bài viết khá thú vị về những chiếc xe Nhật Bản. Tờ báo nói rằng Toyota đã nỗ lực chứng minh nguồn gốc Mỹ của mình. Từ cuộc đua NASCAR vài năm trước, một đoàn xe bán tải Toyota Tundra chạy quanh khu vực paddock với dòng chữ “Built In Texas” (được chế tạo ở bang Texas) được in nổi bật trên thân xe. Trong nỗ lực cạnh tranh với Ford và General Motors, Toyota hiểu rõ bất lợi của mình, một kẻ “ngoại lai” đến từ Nhật Bản trong môn thể thao đua xe mang đậm chất Mỹ.
Điều này có thể khiến nhiều người ngạc nhiên. Bởi Tundra là một mẫu xe “Mỹ 99%”, trừ việc sử dụng logo Toyota. Được làm ở Mỹ, thiết kế bởi người Mỹ, phân phối ở Mỹ, dành cho người Mỹ. Không chỉ riêng Tundra, nhiều xe Nhật Bản cũng hoàn toàn bắt nguồn từ nước Mỹ.
Những chiếc xe Mỹ tiến
Toyota là nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đầu tiên xuất khẩu sang Mỹ, khi giới thiệu chiếc Toyopet Crown vào năm 1957. Trong cuốn tự truyện của mình, cựu chủ tịch của Toyota, Eiji Toyoda, đã viết rằng hãng buộc phải xuất khẩu vì lo ngại sẽ bị loại khỏi thị trường Mỹ. Công ty không tự tin vào chiếc xe và việc ra mắt đã trở thành một thảm họa.
“Chúng tôi đã nắm bắt cơ hội và bắt đầu xuất khẩu sang Mỹ để ‘khẳng định vị thế của mình’. Nhưng sự đón nhận thật khủng khiếp”, ông cho hay.
Chiếc Crown bị đánh giá là thiếu sức mạnh so với tiêu chuẩn đương thời. Xe đủ nhanh cho vùng nông thôn Nhật Bản, nhưng không đủ cho hệ thống đường cao tốc đang phát triển mạnh mẽ của Mỹ.
“Nhìn lại, sáng kiến đầu tiên của chúng tôi quả thực đã bị tạo ra một cách thiếu thấu đáo, nhưng thời điểm chắc chắn không sai. Trên thực tế, việc có trải nghiệm cay đắng này đã giúp chúng tôi làm việc chăm chỉ hơn rất nhiều để tạo ra những chiếc xe phù hợp với thị trường Mỹ”, ông kể lại.
Các hãng khác cũng có trải nghiệm tương tự. Các nhà sản xuất Nhật Bản đã nhanh chóng điều chỉnh khi nhận ra rằng để thành công ở Mỹ, họ phải chế tạo xe hơi dành cho người Mỹ.
Vào đầu những năm 1970, Nhật Bản đã xuất khẩu nhiều loại xe chất lượng cao sang Mỹ. Datsun 510 và 240Z cho thấy rằng hiệu suất kiểu châu Âu có thể rẻ và đáng tin cậy. Chiếc Honda Civic đầu tiên còn làm được nhiều hơn thế. Và đặc biệt Toyota có Corolla. Cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 khiến Detroit bất ngờ, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản trở thành lựa chọn hấp dẫn cho những người muốn một chiếc xe bền bỉ, tiết kiệm mà chất lượng vẫn tốt.
Honda là nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đầu tiên chế tạo ô tô tại Mỹ với mẫu Accord vào năm 1982. Bằng cách sản xuất ô tô tại Mỹ, Honda sẽ không phải chịu các chính sách bảo hộ của Mỹ và có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu địa phương. Datsun theo sau vài năm sau đó, và Toyota hợp tác với General Motors để cùng điều hành một nhà máy ở Fremont, California (Mỹ). Ngay sau đó, Toyota cũng mở nhà máy riêng của mình.
Muốn bán được ở Mỹ phải làm xe Mỹ
Ngày nay, mọi chiếc xe Honda bán ở Mỹ, ngoại trừ Civic Type R, đều được sản xuất tại Bắc Mỹ. Phần lớn các sản phẩm của Toyota và Nissan cũng vậy. Subaru sản xuất khoảng 300.000 xe ở Indiana (Mỹ) mỗi năm. Sau khi chia tay với Ford, Mazda đã ngừng sản xuất ô tô tại Mỹ một thời gian, nhưng giờ đây họ đang sản xuất CX-50 tại một nhà máy đồng sở hữu với Toyota ở Alabama (Mỹ). Mitsubishi là nhà sản xuất ô tô Nhật Bản duy nhất bán xe ở Mỹ mà không sản xuất tại đây.
Nhưng không chỉ là sản xuất ô tô ở Mỹ. Các hãng xe Nhật Bản từ lâu đã vận hành các trung tâm nghiên cứu và phát triển ở đây để làm những gì Eiji Toyoda nhận ra là cần thiết sau thất bại của Toyopet Crown. Đó là chế tạo những chiếc xe được thiết kế riêng cho người Mỹ. Ví dụ, Toyota Motor North America R&D được mở tại Ann Arbor, Michigan (Mỹ) vào năm 1977.
Xe Toyota ở Mỹ có còn là xe Nhật?
Vậy những loại xe được chế tạo ở Mỹ cho người Mỹ này có phải là xe Nhật Bản không? Tất nhiên là có.
Sheldon Brown, kỹ sư trưởng của mẫu Tacoma, giải thích rằng trong trường hợp của Toyota, không quan trọng xe được phát triển ở đâu và dành cho ai, đó vẫn là một chiếc Toyota.
“Tôi có thể nói với bạn rằng mặc dù [Tacoma] được phát triển phần lớn ở Bắc Mỹ, chiếc xe vẫn mang tinh thần của Toyota. Chúng tôi luôn hướng đến chất lượng, chúng tôi luôn nghĩ đến độ bền, chúng tôi luôn nghĩ về ‘Liệu điều này có còn DNA của Toyota không?'”, ông nói với Motor1.
Brown nói rằng tất cả điều này đều bắt nguồn từ văn hóa doanh nghiệp của Toyota, được gọi là Toyota Way. Đó là một nền văn hóa đã được nghiên cứu rộng rãi và có tác động to lớn đến cách các tổ chức hoạt động vượt xa thế giới ô tô.
“Nhật Bản luôn là khu vực dẫn đầu về sản xuất xuất sắc của công ty chúng tôi, đó là nhờ quy trình và văn hóa mà họ có. Văn hóa bắt đầu bằng sự tôn trọng con người, bắt đầu bằng một quy trình và chúng tôi tuân theo quy trình đó được lên kế hoạch chi tiết đó. Vì vậy, việc bạn chế tạo xe ở đâu thực sự không quan trọng vì bạn vẫn đang tuân theo cùng một nền tảng cốt lõi”, ông giải thích.
Khi lái Tundra TRD Pro, thật khó để không bị cuốn hút bởi chất Mỹ của chiếc xe. Đây là một con quái thú khổng lồ, được trang bị để chinh phục địa hình rộng lớn của nước Mỹ cùng với vợ/chồng và 2 con. Bất chấp logo TOYOTA ở phía trước, chiếc xe này không phù hợp với Nhật Bản. Tuy nhiên, xe lại sử dụng chung khung gầm với Land Cruiser. Mẫu xe được chế tạo theo cùng tiêu chuẩn đáng kinh ngạc đã đưa những chiếc bán tải Toyota lên vị thế biểu tượng.
Nhìn chung, có thể gọi những mẫu trên là xe Nhật-Mỹ. Song thực chất nhà báo của Motor1 cho rằng cách gọi này vẫn đang đơn giản quá mức, chưa đánh giá đủ sự phức tạp đằng sau những đứa con “lai” này.
Có thể đó cũng chính là lý do tại các cuộc đua NASCAR, Toyota cảm thấy cần phải khiến cho mọi người nhận thức được nguồn gốc Mỹ của chiếc bán tải. Đó là một cách làm đơn giản để xóa đi những hoài nghi về một chiếc xe “nước ngoài”. Nhưng câu chuyện thực sự đằng sau đó, câu chuyện không thể được tóm tắt vài chữ được dán ở bên hông, lại phức tạp hơn rất nhiều. Có lẽ, đó cũng chính là câu chuyện đằng sau những chiếc Toyota ở Đông Nam Á.