Đó là nhận định của ông Trần Quang Chiến, Nhà sáng lập CyStack tại hội thảo “Bảo tồn và phát triển ngành công nghiệp văn hóa, nghệ thuật” diễn ra ở Trung tâm Hội nghị và triển lãm, Bình Dương. Hội thảo được tổ chức theo chỉ đạo trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia – Techfest 2022 để bàn về tầm quan trọng và chiến lược chuyển đổi số ngành văn hóa nghệ thuật. Các nội dung thảo luận nhận được nhiều sự chú ý của khán giả khi xoay quanh câu chuyện ứng dụng blockchain vào lĩnh vực nghệ thuật với chủ đề “Vai trò và làm thế nào công nghệ blockchain có thể giúp bảo tồn nghệ thuật?”.

Làm sao lưu giữ nghệ thuật số?

Trong thế giới nghệ thuật truyền thống, một bức tranh, một bức tượng đặt tại bảo tàng luôn đứng trước nguy cơ bị tấn công, bị mất cắp hay thất lạc, ngay cả khi được canh giữ bởi hệ thống an ninh tối tân nhất. Nhưng trong không gian nghệ thuật số, việc lưu giữ tác phẩm nghệ thuật còn phức tạp hơn nhiều.

NFT (token không thể thay thế) là tệp dữ liệu được lưu trữ trên blockchain, khẳng định quyền sở hữu đối với một vật phẩm trong không gian số và người sở hữu NFT có thể trao đổi, bán bản quyền liên quan đến vật phẩm đó. Sẽ ra sao nếu có kẻ xấu tấn công tệp dữ liệu NFT để thay đổi quyền sở hữu tác phẩm và dùng nó trục lợi cho bản thân? Năm 2022 đã chứng kiến nhiều vụ hack và lừa đảo gây chấn động liên quan đến NFT, như vụ hack liên quan đến bộ sưu tập Bored Ape Yacht Club khiến 10 NFT trị giá gần 14 triệu USD bị mất cắp. Chính vì thế, nhiều nghệ sĩ, nhà sưu tầm đã “đau đầu” tìm cách giữ an toàn cho các tác phẩm nghệ thuật số vốn chỉ tồn tại trên mạng, không thể cầm nắm trên tay.

Ông Trần Quang Chiến (giữa) nêu quan điểm về bảo mật ví điện tử chứa NFT

Với kinh nghiệm làm trong lĩnh vực bảo mật, ông Trần Quang Chiến – CEO CyStack phân loại các vụ chiếm đoạt NFT thường rơi vào 3 trường hợp: 1/ người dùng mất private key (khóa riêng tư), 2/ hack hợp đồng thông minh (smart contract), 3/ hack những nền tảng blockchain còn mới, bảo mật kém. CyStack Platform của ông Chiến là một nền tảng an ninh mạng dành cho các doanh nghiệp với các ứng dụng riêng biệt giúp giải quyết các bài toán về an ninh, cung cấp trên nền tảng điện toán đám mây.

Tuy các vụ hack liên quan đến smart contract và nền tảng blockchain là vấn đề thuộc về kỹ thuật, nhưng người sở hữu NFT vẫn có thể chủ động bảo mật thông tin nhằm giảm nguy cơ bị tấn công, lừa đảo. Ông Chiến đưa lời khuyên: “Người tạo content khi ứng dụng NFT cần thay đổi thói quen bảo mật thông tin để tránh mất private key, nhất là bảo mật điện thoại. Họ nên chọn các ứng dụng và nền tảng blockchain an toàn thay vì dùng các nền tảng không phổ biến”.

Một luật sư có mặt tại chương trình cũng nhận định rằng người sở hữu NFT ở Việt Nam hiện nay chưa được pháp luật bảo vệ do chưa có khung pháp lý về NFT. Các tài sản số như tiền mã hóa, NFT còn đang ở “vùng xám”.

Bà Nguyễn Thị Xuyến – Cố vấn Làng công nghệ TechArt nói về tiềm năng của NFT ứng dụng vào kinh doanh

Mặc dù các chính sách bảo vệ người dùng NFT chưa hoàn thiện nhưng không thể phủ nhận tiềm năng ứng dụng công nghệ này vào văn hóa nghệ thuật. Bà Nguyễn Thị Xuyến – Cố vấn Làng công nghệ TechArt nhận định: “NFT đã và đang hỗ trợ các tác phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ ở bất kỳ quốc gia nào. Việt Nam có những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng nhưng ít người biết đến nên vẫn chưa được định giá tương xứng. Khi công nghệ blockchain được ứng dụng đúng chỗ đúng lúc và đưa đến tay người dùng, giá trị tác phẩm có thể tăng lên”.

Bà Nguyễn Thị Xuyến khẳng định trong thời gian sắp tới, các làng trực thuộc Techfest sẽ tích cực phối hợp với Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (NSSC) và Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) nhằm lan tỏa ứng dụng công nghệ blockchain và dùng blockchain như đòn bẩy để đưa giá trị Việt Nam ra quốc tế và thúc đẩy chuyển đổi số ngành du lịch.


BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây