Vì sao Indonesia cấm iPhone 16?

Indonesia gây xôn xao khi ra quyết định cấm bán iPhone 16 với lý do Apple không đáp ứng được các quy định về đầu tư tại địa phương. Đây được coi là động thái cứng rắn hiếm thấy đến từ một quốc gia Đông Nam Á với mẫu điện thoại thông minh được yêu thích nhất trên thế giới.

Bộ Công nghiệp Indonesia cho biết, iPhone 16 của Apple không đáp ứng được yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa 40% trên điện thoại di động và máy tính bảng nên cơ quan này đã giữ lại chứng nhận Nhận dạng thiết bị di động quốc tế (IMEI), vốn rất quan trọng để cấp phép bán thiết bị trong nước.

Nếu không có chứng nhận, iPhone 16 và Apple Watch Series 10 không thể được bán hoặc sử dụng hợp pháp tại Indonesia.

Khoảng 9.000 chiếc iPhone 16 đã được đưa vào Indonesia thông qua hành lý của hành khách kể từ khi được bán vào tháng trước. “Những chiếc điện thoại này được nhập cảnh hợp pháp, nhưng sẽ là bất hợp pháp nếu được giao dịch tại Indonesia”, cơ quan này cho biết.

Indonesia từ lâu đã sử dụng các quy định thương mại để thu hút đầu tư nước ngoài và sản xuất, đồng thời bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước. Tuy nhiên, các yêu cầu này gây ra nhiều quan điểm tranh cãi vì yêu cầu tỷ lệ phần trăm hàng hóa nhất định phải có nguồn gốc tại địa phương, khiến một số nhà đầu tư ngần ngại.

Hồi đầu tháng, Indonesia cho biết Apple đã cam kết đầu tư 1,71 nghìn tỷ Rp (108 triệu USD), nhưng cho đến nay chỉ đầu tư 1,48 nghìn tỷ Rp. Bộ trưởng công nghiệp nước này đánh giá khoản đầu tư của Apple tương đối nhỏ so với doanh số bán sản phẩm tại Indonesia.

Indonesia trước đây đã kêu gọi thêm đầu tư từ Apple, công ty có bốn học viện phát triển tại quốc gia này nhưng không có cơ sở sản xuất. Đầu năm nay, chính quyền yêu cầu Apple thành lập một nhà máy hoặc trung tâm nghiên cứu và phát triển, nói rằng các học viện phát triển là không đủ.

Vào tháng 4, Tổng thống Indonesia đã yêu cầu Apple thành lập cơ sở sản xuất trong một cuộc họp với giám đốc điều hành Tim Cook tại Jakarta. Tuy nhiên, ông Cook đã không đưa ra bất kỳ cam kết nào.

Apple chưa có bình luận cũng như kế hoạch gì để giải quyết các yêu cầu của chính phủ Indonesia. Trong khi đó, lệnh cấm có thể ảnh hưởng đến khách du lịch và người tiêu dùng đang cân nhắc mua hoặc mang iPhone 16 vào quốc gia Đông Nam Á.

Chưa phải thảm họa cho Apple

Thị trường điện thoại di động tại nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á là miếng bánh béo bở, được hưởng lợi từ dân số lớn và thu nhập ngày càng tăng. Quốc gia đông dân thứ tư thế giới có tiềm năng là thị trường khổng lồ cho các sản phẩm của Apple.

Bộ Công nghiệp Indonesia cho biết lượng điện thoại di động đang hoạt động ở nước này là 354 triệu, vượt qua dân số khoảng 280 triệu.

Lệnh cấm đến vào thời điểm không may cho Apple. Doanh số bán iPhone đã tăng trưởng ở Indonesia, đạt 40% thị phần điện thoại thông minh cao cấp, bao gồm các thiết bị có giá hơn 600 USD. Trên toàn thị trường, doanh số bán điện thoại thông minh của Indonesia đã tăng trưởng trong năm nay, tăng 1/5 trong quý 2.

Không công ty nào muốn sản phẩm của mình bị cấm nhưng theo giới phân tích, quyết định của chính phủ Indonesia chưa phải là thảm họa đối với Apple.

Doanh số bán hàng của Apple tại Indonesia đã tăng trưởng trong những năm gần đây, nhưng khi nhìn vào bức tranh toàn cảnh, Indonesia vẫn là nơi mà điện thoại Android thống trị, chiếm 87% tổng thị trường.

Là quốc gia có dân số đứng đầu Đông Nam Á và đứng thứ tư thế giới, Indonesia vẫn chỉ là thị trường tương đối nhỏ đối với Apple. iPhone chiếm khoảng 1/10 trong tổng số 34 triệu điện thoại thông minh được bán ra mỗi năm tại quốc gia này. Để so sánh, Apple đã bán được 235 triệu điện thoại thông minh trên toàn cầu vào năm ngoái.

Tờ Financial Times nhận định lệnh cấm của chính phủ có nhiều rủi ro gây tổn hại cho người tiêu dùng địa phương thay vì giúp ích cho nền kinh tế. Người dân Indonesia muốn sở hữu iPhone 16 giờ đây phải trả giá cao để mua qua các kênh không chính thức.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây