Năm 2024, toàn ngành blockchain vẫn trải qua những tác động của “mùa đông tiền số”, Việt Nam cũng không nằm ngoài dòng chảy này. Tuy nhiên các thống kê đều cho thấy Việt Nam vẫn nằm trong top hai thế giới về tỷ lệ sở hữu tiền số, theo Triple-A và đứng thứ ba toàn cầu về khả năng kiếm lời, theo báo cáo từ công ty nghiên cứu blockchain Chainalysis.

Tuy nhiên, những tin tức không mấy lạc quan như trộm cắp, lừa đảo, cắt giảm nhân sự vẫn là chủ đề chính cho đến cuối năm, các chính sách, chiến lược blockchain quốc gia được ban hành đã đem đến nhiều hy vọng mới.

Trộm cắp, lừa đảo phủ bóng blockchain Việt

Thị trường blockchain Việt bắt đầu năm 2024 trong ảm đạm. Không lâu trước đó, Kyber Network – startup của Việt Nam bị hacker tấn công, lấy đi 47 triệu USD. Sau đó dự án thông báo cắt giảm 50% nhân sự.

Một năm nhiều sóng gió của blockchain Việt Nam- Ảnh 1.

Bản đồ Blockchain và Tiền mã hóa Việt Nam trong năm 2024 theo thống kê của Kyros Ventures

Tiếp đó đến đầu tháng 2, dự án Ronin của Sky Mavis – công ty Việt đứng sau game blockchain Axie Infinity – có màn chào sân đầy tai tiếng. Token Ron của dự án bất ngờ giảm giá 18% sau một giờ Binance thông báo dự án được niêm yết trên sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới. Trong một ngày, Ron từ 3,5 USD rơi xuống 2,8 USD, giảm 26%. Đây là điều hiếm gặp khi một dự án mới lên sàn Binance. Điều này khiến dự án Việt bị vướng nhiều tai tiếng.

Đồng sáng lập Binance Yi Hee xác nhận đã có những dấu hiệu bất thường liên quan đến giao dịch token này. Bà tuyên bố trao thưởng 5 triệu USD cho người tìm ra được bằng chứng gây tranh cãi.

Chuỗi ngày xui xẻo với dự án Việt vẫn chưa dừng lại, đầu tháng 8, Sky Mavis xác nhận Ronin Network tiếp tục bị hack, lấy đi 4.000 Ethereum (tương đương 9,8 triệu USD khi đó). Cuối năm 2024, kỳ lân blockchain Việt Nam thông báo cắt giảm nhân sự quy mô lớn để “thích nghi với những biến động mới của thị trường”.

Đến giữa tháng 9, Hùng Đinh, gương mặt quen thuộc trong cộng đồng blockchain Việt Nam, bị các nhà đầu tư nước ngoài tố cáo có hành vi lừa đảo 28 triệu USD tiền số. Sau đó dự án lên kế hoạch bồi thường cho cộng đồng nhưng tiếp tục vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Sự việc gây chú ý lớn trong ngành tiền số toàn cầu khiến danh tiếng các dự án từ Việt Nam cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.

Tin vui đến vào cuối năm

Trong khi các dự án đình đám một thời phải trải qua nhiều thăng trầm trong suốt năm 2024, toàn ngành blockchain Việt lại đón nhận nhiều tín hiệu tích cực vào cuối năm.

Mở đầu là dự thảo luật Công nghiệp công nghệ số được trình Quốc hội khóa 15, trong kỳ họp thứ 8, vào đầu tháng 10. Đây là lần đầu tiên khái niệm tài sản số được đưa vào văn bản pháp lý, đặt tiền đề quan trọng để hình thành khung pháp lý cho tài sản số và việc ứng dụng, phát triển các công nghệ liên quan, đặc biệt là công nghệ blockchain.

Đến ngày 22.10, Chính phủ ban hành Quyết định 1236/QĐ-TTg về “Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối”, đặt mục tiêu đưa blockchain thành nền tảng cho đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đến năm 2030.

Một năm nhiều sóng gió của blockchain Việt Nam- Ảnh 2.

Các diễn giả thảo luận về cách ứng dụng công nghệ mới như blockchain, AI vào kiến tạo thành phố thông minh ở Đà Nẵng

Chiến lược quốc gia cho thấy blockchain đã chứng minh được tầm quan trọng của mình trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Chính phủ cũng đặt mục tiêu xây dựng khung pháp lý thúc đẩy môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ này trong các lĩnh vực quan trọng như tài chính, y tế và dịch vụ công. Điều này không chỉ mở ra môi trường đầu tư thân thiện mà còn tạo động lực để đưa công nghệ vào nhiều lĩnh vực trong đời sống.

Từ đó có thể thấy rõ Chiến lược Blockchain quốc gia không chỉ là lộ trình công nghệ mà còn định hình khung pháp lý, thúc đẩy sự phát triển của toàn ngành, đặt nền móng quan trọng để ngành blockchain Việt tiếp tục bứt phá trong thời gian tới.

Không dừng lại ở đó, giai đoạn cuối năm 2024, khi thị trường bắt đầu khởi sắc, các dự án Việt tiếp tục chứng minh được sức ảnh hưởng của mình trên phạm vi toàn cầu. Nhiều startup tiếp tục dẫn dắt các xu hướng công nghệ mới của thế giới như DePIN (Decentralized Physical Infrastructure Networks – Mạng lưới cơ sở hạ tầng vật lý phi tập trung). Cuối tháng trước U2U Network, startup blockchain Việt tiên phong trong lĩnh vực DePIN vừa hoàn thành vòng gọi vốn trị giá chục triệu USD đến từ các quỹ lớn quốc tế.

Điều này chứng minh Việt Nam vẫn giữ được vị thế tiên phong trong lĩnh vực blockchain toàn cầu. Cùng với đó là việc Chính phủ ban hành Chiến lược blockchain quốc gia và luật Công nghiệp công nghệ số được trình Quốc hội xem xét thông qua đã mở ra nhiều kỳ vọng mới cho toàn ngành trong năm 2025.


BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây