Mua xe điện không trạm sạc thà mua xe xăng còn hơn nhưng người giàu với xe điện sang lại khác!- Ảnh 1.

Dưới đây là phần trao đổi giữa host Đăng Việt và khách mời Quang Anh về chủ đề: Xe điện hạng sang không có trạm sạc công cộng?

Ở những số trước, một số khách mời cho rằng mua xe điện không có trạm sạc thì thà mua xe xăng còn hơn. Vậy quan điểm của anh về vấn đề này như thế nào?

Tôi thấy điều này đúng từ các khách hàng tầm trung cho đến các khách hàng cao cấp, từ Tesla cho đến Wuling đều đúng. Vì mua xe điện mà không có trạm sạc thì đúng là rất là khó.

Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề ở một điểm khác biệt ở đây, giữa phân khúc tầm trung và phân khúc cao cấp, bao gồm cả khách hàng lẫn các sản phẩm. Đó là, những rủi ro khi mà không có trạm sạc công cộng đối với phân khúc cao cấp và khách hàng cao cấp sẽ ít hơn so với các phân khúc thấp hơn. 

Mua xe điện không trạm sạc thà mua xe xăng còn hơn nhưng người giàu với xe điện sang lại khác!- Ảnh 2.

Thứ nhất, các hãng xe sang khi làm xe thuần điện luôn cố gắng chuẩn hóa các đầu sạc, đi về một chuẩn chung để dễ dàng tiếp cận với đại đa số khách hàng cũng như dễ dàng tiếp cận với các thị trường khác nhau. Một ví dụ rất tiêu biểu, iPhone tự định vị mình rất cao nhưng cuối cùng vẫn phải quay về với chuẩn sạc chung trên toàn thế giới hiện tại là Type C dù trước đây có cổng sạc riêng. 

Điều này cho thấy, các hãng khi ra đời luôn tìm cách để ràng buộc khách hàng với các sản phẩm mình nhưng vẫn phải quay về với những gì chung nhất. Cụ thể với xe điện, các hãng ban đầu có thể đưa ra một số sự độc quyền có thể về trạm sạc hay những yếu tố khác, nhưng cuối cùng họ vẫn sẽ phải đi theo số đông. Vì thế, phân khúc xe cao cấp sẽ lựa chọn con đường đó họ để không làm khó khách hàng của mình.

Thứ hai, tôi thấy rằng rủi ro liên quan đến trạm sạc đối với khách hàng sẽ rất là thấp. Bởi vì, khách hàng có điều kiện đa phần sẽ ở nhà riêng và hoàn toàn có thể tự trang bị một trạm sạc tại nhà. Vì thế, họ sẽ không bị phụ thuộc vào trạm sạc công cộng hoặc là bất cứ trạm sạc nào của bên thứ ba. Việc này sẽ rất ít, khi mà họ chủ yếu sử dụng xe điện để di chuyển trong thành phố hoặc khu vực gần nhà. 

Thứ ba, các chủ xe sang không phải lo lắng về việc sạc xe. Thường họ sẽ có tài xế riêng, có những người được thuê để quản lý và phụ trách việc sạc pin. 

Mua xe điện không trạm sạc thà mua xe xăng còn hơn nhưng người giàu với xe điện sang lại khác!- Ảnh 3.

Như vậy, rủi ro liên quan đến việc sạc pin chỉ đến khi thỉnh thoảng họ muốn tự cầm lái, tự trải nghiệm, đi một hành trình xa vài trăm km ra khỏi thành phố. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng việc này sẽ ít khi xảy ra, vì họ sẽ luôn có phương án dự phòng cho việc này, không bao giờ để rủi ro đến với mình. Xe điện chỉ là thêm gia vị cho hành trình của mình, còn họ sẽ có một mẫu xe hybrid hoặc thuần xăng nào đó để dự phòng thay vì phải chọn xe điện hoàn toàn.

Mua xe điện không trạm sạc thà mua xe xăng còn hơn nhưng người giàu với xe điện sang lại khác!- Ảnh 4.

Anh đã có cơ hội tiếp xúc nhiều khách hàng sử dụng xe điện hạng sang, cũng là người quan sát thị trường từ lâu. Vậy theo anh, người giàu dùng xe điện như thế nào?

Theo quan sát và kinh nghiệm, tôi nhận thấy người giàu khi sử dụng xe thuần điện có thể chia ra làm 3 nhóm khác nhau. Nhưng tựu trung lại, chúng ta có thể nói hành trình sử dụng xe điện với họ là sự trải nghiệm. Và hành trình này sẽ khác nhau theo từng nhóm.

Nhóm thứ nhất là những người dùng xe điện trực tiếp, trước đó họ chưa trải qua một bước đệm nào đó. Họ có thời gian quan sát thị trường, nhận thấy một mẫu xe thuần điện nào đó phù hợp với tài chính, thẩm mỹ, nhu cầu của mình nên mua. 

Họ mua và sử dụng luôn mà không cần phải tìm hiểu quá nhiều. Nhóm này đa phần là những người muốn bắt kịp xu hướng của xã hội, muốn thể hiện một chút về bản thân.

Nhóm thứ hai là những người đã có quá trình trải nghiệm đầy đủ về xe sử dụng động cơ điện, như cách tôi nói ở trên là bước đệm. Họ đã sử dụng xe thuần xăng, sau đó chuyển qua xe mild-hybrid, hybrid, plug-in hybrid và cuối cùng là xe thuần điện. 

Ở bước đệm đó, xe plug-in hybrid đã tạo ra thói quen mới cho những khách hàng này. Họ bắt đầu thích cảm giác vận hành của xe khi chỉ chạy bằng động cơ điện. Dần dần, họ thích điều đó và chuyển sang xe thuần điện hoàn toàn.

Nhóm thứ ba, họ là những người sử dụng xe điện một cách gián tiếp thông qua trải nghiệm của người khác. Ở nhóm này, chúng ta hay gặp nhất là những trường hợp kiểu bố mẹ tặng xe cho con cái, chồng tặng xe cho vợ. Họ lựa chọn những xe thuần điện cỡ nhỏ, dễ trải nghiệm.

Sau quá trình quan sát và trải nghiệm gián tiếp, họ sẽ tự cảm nhận rằng sử dụng xe thuần điện có ưu điểm, nhược điểm gì. Từ đó, họ sẽ đưa ra quyết định, liệu chiếc xe tiếp theo có phải là xe thuần điện hay không?

Mua xe điện không trạm sạc thà mua xe xăng còn hơn nhưng người giàu với xe điện sang lại khác!- Ảnh 5.

Các hãng xe sang tại Việt Nam chắc chắn nhận ra những điều mà anh vừa nói. Vậy vì sao họ vẫn còn e ngại về việc đưa xe điện về Việt Nam?

Yếu tố đầu tiên mà các hãng vẫn đang ngập ngừng, tôi nghĩ là thời điểm này chưa phù hợp. Trên quy mô toàn cầu, các nhà sản xuất xe hơi vẫn đang ngập ngừng với quyết định phát triển xe điện một cách mạnh mẽ. Ngay cả những hãng xe lớn cũng đang dừng lại, thậm chí “quay xe” với xu hướng xe điện. 

Volvo từng đưa ra cam kết rất chắc chắn đối với xe điện nhưng đến nay chỉ có ba mẫu xe gồm EC40, EX90 và EM90. Một hãng xe khác là Mercedes-Benz cũng đã bỏ luôn dải sản phẩm xe điện EQ và tìm kiếm một hướng đi mới.

Mua xe điện không trạm sạc thà mua xe xăng còn hơn nhưng người giàu với xe điện sang lại khác!- Ảnh 6.

Ở góc độ khách hàng, tôi cho rằng ai cũng sẽ e ngại với tình huống “đem con bỏ chợ”. Các hãng xe sang nếu ồ ạt mang xe điện về Việt Nam rồi một ngày đẹp trời sản phẩm đó không còn nữa sẽ khiến cho khách hàng lo ngại. 

Vì thế, ở góc độ hãng xe, nếu điều đó xảy ra, họ sẽ mất lòng tin với khách hàng. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình kinh doanh lâu dài về sau tại Việt Nam. Các hãng sẽ phải đối mặt với rủi ro việc này khiến khách hàng có thể bỏ xe điện, thậm chí bỏ luôn xe xăng, xe hybrid của họ và chuyển sang mua xe của đối thủ.

Mua xe điện không trạm sạc thà mua xe xăng còn hơn nhưng người giàu với xe điện sang lại khác!- Ảnh 7.

Ở một góc độ khác, tôi nhận thấy, những hãng xe điện hạng sang tại Việt đang thiếu một sản phẩm “chim mồi”. Đó là những mẫu xe cỡ nhỏ, giá thành dễ tiếp cận để khách hàng bắt đầu trải nghiệm. Chúng ta có thể thấy, ở phân khúc thấp hơn VinFast đang làm rất tốt điều này. Hãng xe Việt có VF 3, VF 5 là những mẫu xe có giá dễ tiếp cận với đại đa số người dân chúng. 

Ở phân khúc hạng sang, thì chúng ta lại thấy rất là ít mẫu xe như vậy. Hiện tại, mức giá một mẫu xe điện hạng sang thấp nhất tại Việt Nam đang là Volvo EC40 ở mức 1,739 tỷ đồng hay cao hơn chút là Mercedes-Benz EQB. Ngoài ra, các mẫu xe khác đều có giá bán khá cao khiến khách hàng ngập ngừng. Đôi khi, họ muốn trải nghiệm xe điện hạng sang, nhưng trở ngại là họ phải bỏ ra một số tiền rất lớn. Thậm chí, ở nước ngoài, các hãng cũng không đủ dải sản phẩm từ thấp đến cao, nên việc các hãng xe sang không biết phải mang về Việt Nam mẫu xe nào là điều dễ hiểu.

Mua xe điện không trạm sạc thà mua xe xăng còn hơn nhưng người giàu với xe điện sang lại khác!- Ảnh 8.

Thị trường hiện nay chỉ có hai mẫu xe điện dễ tiếp cận là Volvo EC40 và Mercedes-Benz EQB, như vậy vẫn chưa đủ với các khách hàng cao cấp. Ở dải sản phẩm cao cấp, các mẫu xe xăng vẫn chưa có nhiều mẫu xe điện tương ứng. Ví dụ, một người thích một chiếc Mercedes-Maybach S 680 thì chưa có một mẫu xe điện tương ứng, nên nếu muốn đổi sang xe điện họ sẽ không tìm được mẫu xe vừa ý.

Vì thế, ở thời điểm này, nếu các hãng hạng sang đưa quá nhiều sản phẩm xe điện về Việt Nam, doanh số bán hàng cũng sẽ không tốt. Nếu có, việc này cũng sẽ ảnh hưởng lớn, phát sinh nhiều việc phải làm về kế hoạch và marketing, làm cồng kềnh bộ máy.

Vậy khách hàng chịu chi một số tiền lớn để mua xe điện hạng sang là ai? Ở từng phân khúc, hãng xe nào đang nhắm đến họ?

Như tôi đã nói, người mua xe điện hạng sang sẽ có 3 nhóm, là những khách hàng trải nghiệm trực tiếp hoặc gián tiếp. Tuy nhiên, khi xét đến các thương hiệu, tôi sẽ chia làm 2 nhóm.

Thứ nhất là nhóm khách hàng hướng đến các thương hiệu như Mercedes-Benz, BMW, Audi, Porsche. Các thương hiệu này đã có nhiều sản phẩm khác nhau mà khách hãng đã được trải nghiệm. Họ sẽ hướng đến nhóm khách hàng số 1 ở trên. Đó là những người muốn trải nghiệm ngay những cái gì mới mẻ. Đó là những mẫu xe có thiên hướng tốc độ, cho trải nghiệm lái tốt.

Thứ hai là nhóm dành cho kinh nghiệm của Volvo. Đó là nhóm khách hàng số 2 ở trên. Họ đã có trải nghiệm dần dần, từng bước làm quen với các mẫu xe sử dụng động cơ hybrid rồi plug-in hybrid. Lý do là bởi, bản thân Volvo đã phân phối các sản phẩm plug-in hybrid tại Việt Nam từ vài năm nay. Bên cạnh đó, Volvo đang có một mẫu xe thuần điện cỡ nhỏ đi cùng giá bán hợp lý để khách hàng dễ tiếp cận.

Mua xe điện không trạm sạc thà mua xe xăng còn hơn nhưng người giàu với xe điện sang lại khác!- Ảnh 9.


Cảm ơn anh rất nhiều về những chia sẻ vừa rồi.

Chương trình Trên Ghế được phối hợp thực hiện bởi Đài Truyền Hình TP Hồ Chí Minh & Công ty Cổ Phần VCCorp; đơn vị hợp tác thực hiện AutoPro; đơn vị khai thác thương mại AdWheel; đơn vị đồng hành Giovanni.

Mua xe điện không trạm sạc thà mua xe xăng còn hơn nhưng người giàu với xe điện sang lại khác!- Ảnh 10.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây