SCMP đưa tin, ngày 17/12, Trung Quốc thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của động cơ phản lực kích nổ, được thiết kế cho loại máy bay thương mại siêu thanh của nước này, có thể đưa hành khách từ Bắc Kinh đến New York chỉ trong hai giờ.

Động cơ này có tên Jindouyun hay JinDou400, đặt theo “đám mây Cân đẩu vân” mà Tôn Ngộ Không sử dụng trong tiểu thuyết kinh điển Tây Du Ký.

Động cơ “Cân đẩu vân” sử dụng cho máy bay chở khách siêu thanh của Trung Quốc. (Ảnh: SCMP)

Lingkong Tianxing Technology, công ty phát triển động cơ, cho biết “Cân đẩu vân” sử dụng công nghệ đốt cháy nổ và có thiết kế dạng mô-đun, nhỏ gọn. Trong chuyến bay thử nghiệm, động cơ đạt tốc độ 5.000 km/h, tương đương Mach 4 (gấp bốn lần vận tốc âm thanh), ở độ cao hơn 20.000 m.

“Động cơ có tiềm năng thương mại đáng kể trong lĩnh vực bay tốc độ cao ở môi trường gần không gian” , công ty có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết trong một tuyên bố.

Khác với các động cơ tên lửa hoặc động cơ phản lực truyền thống, động cơ phản lực kích nổ tạo lực đẩy bằng cách sử dụng sóng xung kích từ quá trình đốt cháy nổ để nén không khí đầu vào, loại bỏ nhu cầu sử dụng máy nén và các thành phần tua-bin. Điều này giúp đơn giản hóa cấu trúc, cải thiện tỷ lệ lực đẩy trên trọng lượng và giảm chi phí.

Mặc dù kích thước nhỏ gọn – đường kính chưa đến 30 cm và chiều dài dưới 3 m – “Cân đẩu vân” cung cấp lực đẩy ấn tượng khoảng 400 kg.

Lingkong Tianxing cho biết: “Chuyến bay thử nghiệm này đã cung cấp dữ liệu hiệu suất quan trọng của động cơ, xác nhận các hệ thống cốt lõi bao gồm cung cấp nhiên liệu, hệ thống điện và điều khiển.

Cuộc thử nghiệm cũng chứng minh sự ổn định và độ tin cậy của động cơ, đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc phát triển từ nguyên mẫu đến sản phẩm hoàn thiện”.

Động cơ “Cân đẩu vân” sử dụng công nghệ phản lực kích nổ, hoàn thành chuyến bay thử nghiệm vào ngày 17/12. (Ảnh: SCMP)

Chuyến bay thử nghiệm thành công là bước quan trọng trong việc phát triển máy bay chở khách siêu thanh Yunxing của Lingkong Tianxing.

Một nguyên mẫu của máy bay này đã hoàn thành chuyến bay thử nghiệm vào cuối tháng 10, đánh giá hiệu quả các công nghệ quan trọng bao gồm khí động học, khả năng chịu nhiệt và hệ thống điều khiển.

Công ty đặt mục tiêu sở hữu một máy bay chở khách siêu thanh hoàn thiện vào năm 2027, dự kiến thức hiện chuyến bay thương mại đầu tiên cho dịch vụ vận chuyển tốc độ cao vào năm 2030.

Hôm 9/12, Lingkong Tianxing công bố video thông báo các thử nghiệm quan trọng trên mặt đất đã hoàn thành và tiết lộ một số chi tiết thiết kế.

Đoạn video cho thấy cấu trúc mô-đun của động cơ được hỗ trợ bởi công nghệ in 3D cho phép lắp ráp nhanh và thích ứng hơn. Công ty cũng cho biết họ đã cân bằng các yêu cầu về hiệu suất với chi phí khi chuyển sang sản xuất hàng loạt.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây