Công an tỉnh Lai Châu cho biết, hình thức lừa đảo giả danh nhân viên giao hàng là một thủ đoạn mới, đang phố biển trong thời gian gần đây. Đặc biệt trong bối cảnh thương mại điện tử, dịch vụ giao hàng ngày càng phát triển, nhiều người đã trở thành nạn nhân của các đối tượng giả danh shipper, mất đi số tiền lớn mà không hề hay biết.

Nhận được cuộc gọi của shipper báo giao hàng, người phụ nữ ấn vào đường link, nhập mã OTP và mất hết số tiền trong tài khoản- Ảnh 1.

Trong tháng 12, Công an tỉnh Lai Châu tiếp nhận được phản ánh của chị N.T.V sinh sống tại huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu về việc có đối tượng gọi điện, tự xưng là shipper, giao đơn hàng có giá trị 32.000 đồng. Khi chị N.T.V nói chị không có nhà, sẽ nhận sau, đối tượng gọi lại rằng gói hàng giá trị nhỏ, nhờ chị N.T.V chuyển khoản thanh toán, đối tượng sẽ gửi hàng tại nhà cho chị. Chị V cũng xác nhận là từng đặt đơn hàng như trên nên chủ quan thanh toán theo yêu cầu.

Sau đó, đối tượng thông báo rằng đã chuyển nhầm vào số tài khoản của Công ty, cần thực hiện theo hướng dẫn để chuyển lại. Do thiếu cảnh giác, chị V đã làm theo hướng dẫn của đối tượng, ấn vào đường link do đối tượng gửi tới.

Tại đường link này chị V đăng nhập tài khoản ngân hàng, nhập mã OTP, vô tình tự chuyển toàn bộ số tiền trong tài khoản hơn 13 triệu đồng tới tài khoản đối tượng. Các đối tượng nhận được tiền, lập tức chặn liên lạc, chiếm đoạt tài sản của chị V.

Theo Công an tỉnh Lai Châu, quy trình lừa đảo của đối tượng giả danh nhân viên giao hàng thường có 4 bước:

Bước 1: Thu thập thông tin

Thông qua việc theo dõi buổi livestream bán hàng trực tuyến trên các nền tảng Tiktok, Facebook… trong quá trình đặt hàng thông qua bình luận, người dân đã vô tình để lại số điện thoại cũng như tài khoản facebook, đây là các thông tin mà đối tượng lừa đảo khai thác, sử dụng. Một số trường hợp khác, đối tượng thu thập thông tin thông qua mua bán thông tin cá nhân hoặc các biện pháp khai thác khác.

Bước 2: Gọi điện, tiếp cận

Các đối tượng gọi điện tự xưng là nhân viên giao hàng, hỏi người dân có ở nhà để nhận hàng, nếu người dân nói có, đối tượng lập tức tắt máy. Trường hợp người dân không có ở nhà, đối tượng thuyết phục chuyển khoản thanh toán tiền hàng, đối tượng sẽ để hàng ở nhà cho người dân. Do nhiều người dân đã từng thanh toán tiền hàng cho shipper trước đây, nên đã chủ quan chuyển tiền cho đối tượng.

Bước 3: Đưa ra lý do chuyển tiền nhầm

Sau khi nhận được bị hại chuyển tiền, đối tượng đưa ra lý do đã chuyển nhầm tiền tới tài khoản của Công ty, yêu cầu chuyển lại hoặc việc chuyển tiền vào tài khoản Công ty sẽ đăng ký gói cước hội viên, mỗi tháng sẽ bị trừ phí giao dịch từ 3,5 triệu đồng trở lên. Tiếp đó, đối tượng gửi đường link để liên hệ tới nhân viên chăm sóc khách hàng để được hướng dẫn giải quyết.

Bước 4: Dụ dỗ thực hiện các bước chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng

Các đối tượng đóng vai chăm sóc khách hàng, nhắn tin hoặc gọi điện, liên tục thúc giục, hù dọa nạn nhân, yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng (tên tài khoản, mật khẩu), yêu cầu chuyển khoản hoặc cài đặt các ứng dụng lạ có quyền truy cập đến thông tin quan trọng trên điện thoại. Qua nhiều thủ đoạn, các đối tượng đã chiếm quyền truy cập tài khoản ngân hàng, lập tức thực hiện việc chuyển toàn bộ số tiền trong tài khoản ra bên ngoài, sau đó cắt đứt liên lạc. 

Công an tỉnh Lai Châu đề nghị người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, không nhận bất cứ đơn hàng nào mà mình không đặt mua, không chuyển khoản hoặc thanh toán các đơn hàng không có ảnh chụp rõ mã vận đơn, thông tin người nhận (nên trực tiếp nhận hàng, kiểm tra rồi mới thanh toán) . Tuyệt đối không ấn vào bất cứ đường link nào do người lạ gửi tới để tránh “mắc bẫy” lừa đảo, không cài đặt các ứng dụng không rõ nguồn gốc theo yêu cầu của đối tượng.

Khi phát hiện có những dấu hiệu bất thường, phải dừng giao dịch ngay, gọi hỏi người thân trong gia đình, bạn bè hoặc liên hệ với cơ quan Công an nơi gần nhất để được hướng dẫn, xử lý kịp thời.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây