Điều này phản ánh tầm quan trọng của RegTech trong việc giúp các tổ chức tài chính quản lý nghĩa vụ tuân thủ pháp lý. RegTech cũng chính là định hướng mà Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) đã và đang triển khai vào năm 2023.
RegTech có phải là nhiệm vụ cấp bách của các tổ chức toàn cầu?
Ông Phan Đức Trung – Phó chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam định nghĩa RegTech (Regulatory Technology) là một khái niệm ra đời sau khái niệm Fintech, là những công nghệ hỗ trợ tuân thủ pháp lý. Khái niệm này được đề cập lần đầu tiên vào tháng 3.2015 trong một báo cáo về tầm nhìn Fintech tới năm 2025 cho Chính phủ Anh dưới tiêu đề “FinTech Futures: The UK as a World Leader in Financial Technologies“. Tác giả Mark Jeremy Walport đề cập đến một công nghệ quản lý mới gọi là regulatory technologies viết tắt là RegTechs mà ông tin là “tương lai của quy định luật lệ”.
Đến năm 2023, Công ty kiểm toán KPMG ghi nhận trong báo cáo “Pulse of Fintech H2’22”, khi số lượng hoạt động tài chính và giao dịch trên nền tảng số tăng dần, cả công ty và nhà đầu tư nhận ra rằng việc chấp nhận RegTech không còn là lựa chọn mà là một nhiệm vụ cấp bách.
Chi phí tuân thủ ngày càng tăng là một thách thức lớn đối với các công ty dịch vụ tài chính trên toàn thế giới, đặc biệt là các công ty đa quốc gia phải quản lý việc tuân thủ trên nhiều vùng lãnh thổ.
Ông Trung nhận định: “Trên toàn cầu, sự chuyển đổi quy định và công nghệ của các dịch vụ tài chính trong thập niên qua từ phía cơ quan quản lý, cùng với áp lực ngày càng tăng đối với các công ty dịch vụ tài chính nhằm đạt được hiệu quả cao hơn bao giờ hết, đã tạo điều kiện hoàn hảo cho RegTech phát triển”.
Cụ thể, ông Trung lý giải sự phát triển nhanh chóng của các chủ đề phụ RegTech như tuân thủ, tội phạm tài chính, an ninh mạng và báo cáo theo quy định, phần lớn là do việc áp dụng rộng rãi điện toán đám mây và giao diện lập trình ứng dụng (API) trên thị trường dịch vụ tài chính.
Đặc biệt, các quy định pháp lý mới và sửa đổi diễn ra sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 có rất nhiều đòi hỏi với các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính, cộng với áp lực ngày càng tăng về chi phí do suy thoái kinh tế toàn cầu sau khủng hoảng như Covid-19, xung đột địa chính trị khu vực, đã tạo ra một nền tảng vững chắc cho các giải pháp RegTech có thể mang lại hiệu quả cho các đơn vị bị quản lý chứ không chỉ đơn thuần nhà quản lý.
Định hướng của VBA đối với RegTech tại Việt Nam
Ông Trung lưu ý, tại Việt Nam xuất hiện các hoạt động giao dịch tài chính nhỏ gia tăng mạnh mẽ ở các ứng dụng Fintech mới như cho vay P2P, thanh toán, quản lý tài chính cá nhân, bán chéo các sản phẩm B2B2C, giao dịch tài sản số… đã làm nảy sinh nhiều hệ lụy xã hội như tranh chấp tài sản số, phương pháp đòi nợ thuê qua công nghệ… Đây là một thách thức trong quản trị với các cơ quan quản lý nếu không có các hệ thống RegTech.
Do đó, các ứng dụng RegTech sẽ là một trong những chương trình hành động của Hiệp hội trong năm 2023. Chương trình RegTech đầu tiên của VBA cùng các đối tác là chương trình truy xuất kiểm tra hành vi có dấu hiệu lừa đảo ChainTracer.
Về bản chất, đây là nền tảng truy vết giao dịch trên blockchain. Nhận thông tin từ nhà đầu tư, ChainTracer sẽ xem xét dữ liệu hoạt động trên chuỗi (on-chain) của một dự án và tham chiếu với các mô hình đã biết để đánh giá xem một dự án có phải là lừa đảo hay không. Nền tảng này cũng sẽ phân tích các hành vi thị trường để nhận diện lạm phát và cảnh báo nhà đầu tư về những cuộc tấn công mã độc (ransomware).
Các doanh nghiệp muốn tăng cường công tác tuân thủ mà không có RegTech thì sẽ gặp rào cản chi phí quản lý gián tiếp tăng cao. Ông Trung nhận định: “Các cơ quan quản lý nên là đầu tàu và cho phép đẩy nhanh phát triển các ứng dụng về RegTech. Còn với các doanh nghiệp nội địa hãy hướng tới một thị trường toàn cầu dựa trên các tiêu chuẩn kết nối với các sản phẩm RegTech toàn cầu. Lúc đó sự vươn ra của các doanh nghiệp nội địa là tự lực kết nối không phải lệ thuộc nhiều vào các luật lệ khu vực nhỏ nữa”.
Theo các phân tích và tổng kết từ KPMG, năm 2021 được cho là năm bùng nổ về tỷ suất đầu tư toàn cầu vào tiền điện tử và blockchain, đạt 30 tỉ USD. Đến 2022, con số đầu tư giảm 23%, đạt 23,1 tỉ USD và RegTech vẫn chiếm tỷ trọng hơn 1/3.
Ông Trung cho biết các sản phẩm của RegTech bao trùm rất rộng nhưng đòi hỏi phải có sự tham gia thiết kế của đơn vị am hiểu tính pháp lý tuân thủ của mô hình. Trước đây, khi thiết kế một sản phẩm hay dịch vụ SaaS thông thường, phải hiểu được rõ ràng product knowledge thì nay quá trình thiết kế một sản phẩm hay dịch vụ RegTech cần phải nắm rất sâu business knowledge. Lúc này các sản phẩm hay dịch vụ của các công ty sẽ nằm trong một chuỗi pháp lý tuân thủ phù hợp. Với một quy định khác nhau như quốc gia hay vùng lãnh thổ sẽ có những yêu cầu tuân thủ có thể khác nhau. Đây là lý do tại sao các công ty Fintech trong ngành tài chính sẽ bắt buộc ưu tiên dùng các sản phẩm RegTech. Bởi chúng được thiết kế cho các giao dịch nhỏ nhưng số lượng nhiều nằm rải rác có tính chất hoạt động 24/7. Sản phẩm RegTech sẽ rất nhiều và tương tự như CyberSecurity, nó sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng, không chỉ là an toàn an ninh mà tỷ trọng chính sẽ là kinh tế, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế internet.
Như vậy, đối với ngành Fintech, RegTech sẽ đóng vai trò then chốt trong tiến trình thương mại toàn cầu hóa. Các giải pháp thực tiễn giúp ứng dụng chuyển đổi số sẽ là mối quan tâm hàng đầu của cả chính phủ, cơ quan ban ngành, chính quyền địa phương và nhất là doanh nghiệp để giúp kích hoạt các dịch vụ nền tảng và hệ sinh thái.