Lần đầu tiên tổ chức ở xứ chùa vàng, Hội thảo The Connect chào đón sự tham gia của đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp công nghệ Thái Lan, đặc biệt là ông Sean T. Salisbury – đại diện từ Đại sứ quán Mỹ tại Thái Lan. The Connect được tổ chức chiều ngày 15/3, tiếp nối chương trình SelectUSA do Hiệp hội Blockchain Việt Nam đồng hành Bộ Thương mại Mỹ tổ chức vào hai ngày 14 – 15/3.
Việt Nam, Thái Lan nhanh nhạy trong việc tiếp nhận công nghệ mới
Trong khuôn khổ Hội nghị The Connect là hai phiên thảo luận về tổng quan thị trường, các xu hướng kinh tế ở Thái Lan và Việt Nam. Phiên thảo luận đầu tiên, “The application of 4.0 technologies in the financial sector”, có sự tham gia của hai đại diện VBA là ông Nguyễn Giang Nam – thành viên Ủy ban Ứng dụng Fintech, ông Đỗ Ngọc Minh – đại diện Công ty Locamos và ông Pobhol – CEO Social Bureua. Nội dung trao đổi xoay quanh bối cảnh pháp lý của Thái Lan và Việt Nam có những thuận lợi, khó khăn ra sao đối với các startup và nhà đầu tư trong ngành Blockchain nói riêng và các công nghệ đổi mới sáng tạo nói chung.
Đại diện đến từ Thái Lan – ông Pobhol chia sẻ pháp lý dành cho blockchain ở Thái Lan tương đối cởi mở suốt những năm qua, nhưng vẫn có những khuôn khổ nhất định để giám sát công nghệ này trong quá trình phát triển. Đất nước này có Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Thái Lan (SEC Thái Lan) chuyên trách các vấn đề liên quan tài sản số và blockchain. Vào năm 2022, Thái Lan đã cho phép thành lập ICO portal (cổng ICO) để giám sát các hoạt động ICO tại Thái Lan. Các công ty muốn ICO sẽ phải trải qua quá trình sàng lọc thẩm định thông qua cổng ICO và cần sự chấp thuận của SEC trước khi phát hành coin ra thị trường.
Phía đại diện VBA – ông Nguyễn Giang Nam nhận định chính phủ Thái Lan đang đi trước Việt Nam trong việc ban hành khung pháp lý cho blockchain, bằng chứng là ngày càng nhiều công ty blockchain không chỉ thành lập tại Singapore, Dubai mà còn ở xứ chùa vàng.
Tuy nhiên, ông Nam cũng khẳng định: “Có nhiều dấu hiệu tích cực khi Chính phủ Việt đang lắng nghe, tiếp nhận ý kiến về vấn đề này, đơn cử là việc cho phép thành lập Hiệp hội Blockchain Việt Nam, công tác nghiên cứu CBDC vẫn đang tiến hành, những hội thảo để lấy ý kiến về tài sản số và sandbox luôn được tổ chức thường xuyên”.
Với sự tương cận về văn hóa, khí hậu và cả mức độ chấp nhận tiền số, hai quốc gia “láng giềng” Đông Nam Á còn có thể soi chiếu cho nhau ở những ngành nghề kinh tế, công nghệ khác. Trong phiên thảo luận thứ hai “Predict Market and trend in Thailand and Vietnam”, các diễn giả hai nước cùng thảo luận sôi nổi về những xu hướng công nghệ sẽ bùng nổ trong ngành Fintech vào năm 2023, từ sự vươn lên của các KOS (key opinion seller) trên mạng xã hội Facebook, Tiktok…, cho đến những xu hướng đang được chú ý gần đây như trí tuệ nhân tạo (AI), voice chat, robo advisor (tư vấn tài chính tự động), tài chính vi mô (microfinance) như cho vay ngang hàng (P2P lending)… xuất phát từ thực tế rằng người Việt và Thái có tỷ lệ sử dụng mạng xã hội cao, dễ dàng thích nghi, ứng dụng những công nghệ mới.
Trước đó, vào ngày 14.3 cũng diễn ra Hội nghị thượng đỉnh SelectUSA Tech – APAC tại Bangkok (Thái Lan) là sự kiện do Hiệp hội Blockchain Việt Nam đồng hành Bộ Thương mại Mỹ nhằm tạo cơ hội cho các dự án tiềm năng do người Việt phát triển tiếp xúc với các Quỹ đầu tư mạo hiểm và các tổ chức hỗ trợ mở rộng kinh doanh sang Mỹ. Thông qua sự kết nối từ Hiệp hội Blockchain Việt Nam, tại SelectUSA do Mỹ tổ chức đã có hai dự án của công ty công nghệ Việt Nam đủ điều kiện tham dự Vòng Pitching tại Thái Lan là Foodmap và Trustkeys Network, đáp ứng các tiêu chí về ý tưởng, sản phẩm, đưa ra được lộ trình phát triển chi tiết trong tương lai.
Đại diện Trustkeys Network chia sẻ: “Chúng tôi rất vinh dự là một trong những công ty Việt Nam được chọn tham gia Hội nghị SelectUSA do Bộ thương mại Mỹ và Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức. Sự kiện này chứng minh Việt Nam vẫn có những dự án chất lượng, công nghệ độc đáo, tự tin và sẵn sàng trong quá trình hòa nhập thương trường quốc tế“.