Không phải vô cớ mà chó được coi là bạn thân nhất của con người: chúng giúp đỡ rất nhiều cho tinh thần và thể chất của chủ nhân. Vậy chuyện gì sẽ xảy ra nếu loài chó có thể sống mãi mãi và điều đó giúp chủ nhân của chúng sống lâu hơn, sống khỏe mạnh hơn?
Một số công ty hiện đang tìm thấy điểm chung giữa hai mục tiêu. Đầu năm tới, Loyal, một công ty khởi nghiệp công nghệ sinh học của Mỹ, sẽ giới thiệu LOY-002 ra thị trường, một loại thuốc dùng hàng ngày có hương vị thịt bò. Nó được tin rằng có thể giúp chó có thêm ít nhất một năm sống khỏe mạnh. Công ty đã huy động được 125 triệu USD (3,1 nghìn tỷ VND) tài trợ từ các nhà đầu tư vốn đang chần chừ với các dự án nâng cao tuổi thọ của con người, vì những thử nghiệm đó sẽ kéo dài hàng thập kỷ.
Nhưng cô Celine Halioua, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của Loyal – một phần của Cellular Longevity, một công ty công nghệ sinh học nghiên cứu về tuổi thọ – tin rằng, công việc của họ sẽ mang lại lợi ích to lớn cho nhân loại. “Tìm ra cách nâng cao tuổi thọ của chó là động lực mạnh mẽ để làm điều tương tự với con người. Loài chó cũng mắc các bệnh tương tự liên quan đến tuổi tác, và chúng chia sẻ môi trường cũng như thói quen của chúng ta theo cách mà chuột trong phòng thí nghiệm không làm được”.
Thuốc LOY-002 nhằm ngăn chặn và đảo ngược những suy nhược về trao đổi chất, bằng cách hạn chế chất insulin gia tăng do lão hóa . “Chúng tôi không định tạo ra những chú chó bất tử. Chúng tôi đưa ra giả thuyết rằng thuốc có khả năng nâng cao tuổi thọ bằng cách cải thiện sức khỏe và từ đó rút ngắn tốc độ lão hóa”, cô Halioua nói.
Một phòng thí nghiệm Mỹ khác cũng đang theo đuổi một mục tiêu tương tự, nơi một nhóm các nhà nghiên cứu đang sốt sắng thử nghiệm tác động của rapamycin trong Dự án Lão hóa Chó của họ. Rapamycin, một loại thuốc rẻ tiền, dễ sản xuất và thường được sử dụng làm thuốc ức chế miễn dịch cho con người sau các ca phẫu thuật cấy ghép nội tạng, đã nhiều lần được chứng minh là giúp tăng tuổi thọ và trì hoãn (hoặc thậm chí đảo ngược) nhiều chứng rối loạn do tuổi tác ở chuột.
Mặc dù loại thuốc này chưa được phê duyệt để nâng cao tuổi thọ ở người, nhưng nhiều bác sĩ lão khoa tin rằng, nó có tiềm năng khổng lồ cho ngành làm chậm quá trình lão hóa bằng dược lý.
Dự án Lão hóa Chó – nghiên cứu dài hạn, quy mô lớn đầu tiên về động vật cỡ lớn trong môi trường tự nhiên, cho thấy rằng rapamycin liều thấp có thể làm tăng tuổi thọ của chó, cải thiện cả chức năng tim và nhận thức của chúng bằng cách kích thích sự phát triển và trao đổi chất của tế bào.
Ông Daniel Promislow, nhà nghiên cứu sinh vật học tại Đại học Washington (Mỹ) và là đồng giám đốc của dự án cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi đi trước nhiều năm ánh sáng so với bất kỳ nghiên cứu nào đã được và có thể thực hiện trên người. Những gì chúng tôi đang làm tương đương với một nghiên cứu kéo dài 40 năm trên con người: kiểm tra khả năng tăng tuổi thọ khỏe mạnh của một loại thuốc”.
Khi dự án được kết luận 4 đến 5 năm sau, ông Promislow hy vọng có thể chứng minh rằng rapamycin có khả năng giúp chó sống khỏe mạnh thêm 3 năm. Ông khẳng định rằng, nghiên cứu của ông có thể áp dụng được cho con người là một khả năng hoàn toàn thực tế. “Nếu chúng tôi thành công với loài chó, đó có thể là một bước ngoặt lớn trong việc mang lại cho con người tuổi thọ khỏe mạnh hơn”.
Công trình tìm kiếm cách nâng cao tuổi thọ của loài chó được cộng đồng nghiên cứu trường thọ chào đón nồng nhiệt . Giáo sư Tom Rando, giám đốc Trung tâm nghiên cứu tế bào gốc của Đại học California (Mỹ) và là một trong những tên tuổi được kính trọng nhất trong cộng đồng khoa học lão khoa, cho biết nghiên cứu này rất “thú vị”. “Nghiên cứu này là một mảnh ghép mà chúng tôi hy vọng cuối cùng sẽ mang lại cho chúng ta bức tranh toàn cảnh về tuổi thọ con người. Các loại thuốc nâng cao tuổi thọ càng có kết quả khả quan trên động vật thì chúng ta càng có thể tin tưởng chúng cũng sẽ có tác dụng trên con người. Và hiện đã có bằng chứng về tính hiệu quả và an toàn trên loài chó, nên chúng tôi tự tin hơn khi thực hiện các nghiên cứu trên người với những loại thuốc tương tự”, ông Rando nói.
Tuy nhiên, cô Jamie Justice, giáo sư phụ trách lão khoa tại Trường Y thuộc Đại học Wake Forest (Mỹ), nói rằng nếu không có sự đồng thuận giữa các nhà khoa học về một dấu hiệu sinh học chính thức của sự lão hóa ở người, thì các nhà khoa học không thể thử nghiệm bất kỳ loại thuốc nào trên con người, cho dù kết quả trên loài khác tích cực đến mức nào.
“Bởi không thể tiến hành thử nghiệm về tuổi thọ kéo dài 40 năm trên con người, nên chúng tôi cần một chỉ số được công nhận rộng rãi để thấy được tác động của thuốc lên các vấn đề sức khỏe mà chúng tôi đồng ý là có liên quan đến lão hóa. Mục tiêu của khoa học bây giờ là phải thống nhất được những thông số đó. Sau đó, công việc mang lại kết quả thú vị nhất – bởi vì chúng chính là kết quả mà chúng tôi có thể đưa ra thị trường – có thể bắt đầu”, cô nói.