Vậy nên trong thời gian đầu, Hiệp hội xác định mục tiêu kết nối, định hướng và phổ cập tiềm năng, ứng dụng của công nghệ blockchain, trong đó trọng tâm là song hành cùng quá trình chuyển đổi số, kinh tế số quốc gia đến năm 2025. Đặc biệt là dần kiện toàn bộ máy vận hành, tổ chức.

Vừa qua chúng tôi có buổi trò chuyện cùng Giáo sư – Tiến sĩ Khoa học Hoàng Văn Huây, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

* Hiệp hội đã có những dấu ấn như thế nào trong quá trình thúc đẩy hành lang pháp lý, tiến trình chuyển đổi số quốc gia, thưa ông?

– Giáo sư – Tiến sĩ Khoa học Hoàng Văn Huây: Sau 6 tháng hoạt động, Hiệp hội Blockchain Việt Nam được gọi tên là một trong các điểm nhấn khoa học công nghệ Việt Nam 2022 do báo VnExpress tổng hợp. Bên cạnh đó, VBA còn được ghi nhận thông tin các hoạt động tạo lập cộng đồng, ký kết hợp tác chiến lược, các hội thảo chuyên đề và các sự kiện kết nối trong nước và quốc tế.

photo-1676631113519

Giáo sư – Tiến sĩ Khoa học Hoàng Văn Huây, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam phát biểu tại lễ ra mắt Hiệp hội

Trong năm 2022, với sự nỗ lực không ngừng từ các chuyên gia và những ủy ban, VBA đã công bố dự thảo tiêu chuẩn đánh giá xếp hạng dự án ứng dụng công nghệ blockchain, phát hành các kỳ Bản tin Blockchain nội bộ và đưa vào thử nghiệm cổng tiếp nhận báo cáo lừa đảo từ cộng đồng.

Chuyển đổi số quốc gia bao gồm ba trụ cột là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, nhưng để hoàn thiện các trụ cột đó thì tất yếu phải có công dân số – nguồn lực có kỹ năng công nghệ thông tin, góp phần kiến tạo và làm giàu cho nền kinh tế. Hiểu được nhu cầu cấp bách đó, VBA đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực số, phổ cập giáo dục về công nghệ blockchain, cụ thể là ra mắt Tủ sách Blockchain phối hợp với AlphaBooks. Song song đó, VBA liên kết các trường đại học hàng đầu như Đại học Ngân hàng TP.HCM, ĐH Ngoại thương Hà Nội… để đưa blockchain và kinh tế số vào giảng dạy.

* Nhân lực trẻ là yếu tố quan trọng trong việc nắm bắt xu hướng công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ blockchain. Vậy theo ông, nhân sự trẻ có ảnh hưởng gì tới hoạt động, công tác điều hành của Hiệp hội thuộc ngành công nghệ không?

– Ngày nay, số hóa trên nhiều lĩnh vực đang là một hướng đi tất yếu để đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và song hành cùng thế giới, không chỉ bao gồm trong các hoạt động vận hành kinh doanh, dịch vụ, sản phẩm mà còn đối với thị trường lao động.

Việc số hóa thị trường lao động mang đến nhiều cơ hội, đồng thời cũng mang đến những thách thức quan trọng. Chẳng hạn như giúp tăng năng suất, tạo thị trường mới, người lao động có cơ hội tiếp cận việc làm mới, cân bằng cuộc sống tốt hơn. Thế nhưng, thách thức mà các tổ chức gặp phải đó là đảm bảo quyền tiếp cận an sinh xã hội, quyền quản trị công việc; đặc biệt là vấn đề đạo đức nghề và tuân thủ luật pháp.

Khi tình hình kinh tế thay đổi, bắt buộc các tổ chức/doanh nghiệp phải có nhiều sự điều chỉnh trong kế hoạch, chiến lược hoạt động của mình dẫn đến sự thay đổi lớn đối với chiến lược và chính sách phát triển nguồn nhân lực. Theo tôi các thay đổi, điều chỉnh nhân lực trong bộ máy điều hành sẽ không nhiều ảnh hưởng và đích đến là nhằm duy trì năng lực phát triển vững mạnh.

* Ngày 14.2.2023, trong phiên họp bất thường lần thứ 1, Ban chấp hành Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã phê chuẩn hủy tư cách hội viên và miễn nhiệm toàn bộ các chức vụ đến một vài lãnh đạo. Ông có thể cho biết rõ lý do của việc điều chỉnh, thanh lọc nhân sự trong giai đoạn này của Hiệp hội?

– Trong quãng thời gian chưa đầy một năm, thông qua các sự kiện triển khai cùng Bộ Ban ngành và các doanh nghiệp, Hiệp hội đã từng bước khẳng định vị thế của mình là cầu nối trung gian giữa doanh nghiệp số trong nước cùng quốc tế và Cơ quan Ban Ngành Việt Nam trên hành trình lan tỏa tiềm năng, ứng dụng blockchain vào các ngành nghề kinh tế xã hội Việt Nam.

Trong nỗ lực này thì nhiệm vụ tạo môi trường ứng dụng công nghệ blockchain minh bạch, chất lượng tại Việt Nam là trách nhiệm đầu tiên được lãnh đạo Hiệp hội cùng Ban chấp hành kiên quyết thực hiện. Do vậy, việc điều chỉnh nhân sự không phù hợp trong giai đoạn này là điều tất yếu để tăng uy tín cộng đồng, tạo dựng giá trị pháp lý, tuân thủ và quy chuẩn hoạt động của Hiệp hội Blockchain Việt Nam.

Việc miễn nhiệm các thành viên là lãnh đạo Hiệp hội đã được 100% thành viên tham dự phiên họp Ban chấp hành bất thường thống nhất. Đồng thời, Ban chấp hành Hiệp hội đang thực hiện việc miễn nhiệm này theo đúng điều lệ hoạt động của Hiệp hội và theo quy định của Nhà nước.

* Vậy trong năm 2023, Hiệp hội sẽ làm gì để tiếp tục hiện thực hóa 6 mục tiêu hành động đề ra ban đầu? nhằm tạo môi trường an toàn, minh bạch?

–  Xuyên suốt các hoạt động thúc đẩy kết nối, quan điểm của VBA về blockchain luôn chú trọng quản trị rủi ro và chính sách pháp lý. Đến năm 2023, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đặt mục tiêu phát triển và quy tụ các tuyến chuyên gia không chỉ là công nghệ mà còn là các chuyên gia pháp lý; chuyên gia tài chính đáp ứng các tiêu chuẩn đạo đức nghề. Cùng với đó là tiếp tục công bố các tiêu chuẩn cho thị trường blockchain, bao gồm tiêu chuẩn nhận diện lừa đảo, tiêu chuẩn về bảo mật thông tin và thúc đẩy cộng đồng phát triển công nghệ blockchain nền tảng.

Bên cạnh đó nhằm hòa chung dòng chảy hội nhập công nghệ và phát triển bền vững, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đặt mục tiêu tăng cường hợp tác quốc tế, phát huy vai trò và vị thế của mình trong lĩnh vực blockchain, đưa ngành blockchain Việt Nam sớm bắt kịp với khu vực và thế giới.

* Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!


BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây