Giá tiền ảo trên thị trường đang chao đảo và rớt mạnh chỉ trong thời gian ngắn khiến không ít thợ đào phải bán GPU cũ để thu hồi vốn. “Cơn khát” GPU trên thị trường có thể tạm lắng, nhưng câu hỏi nhiều người đặt ra là có nên mua card đồ họa từng làm “trâu cày” hoạt động 24/7 hàng tháng trời hay không?

Dàn “trâu cày” cấu thành từ nhiều GPU

HP

GPU không phải xe hơi

Theo HowToGeek, câu trả lời nhìn chung là “Có!”. Mua card đồ họa cũ từ các thợ đào tiền ảo không chứa nhiều rủi ro hơn việc mua GPU đã qua sử dụng từ những nguồn khác.

Nhiều người tin rằng các linh kiện điện tử đều có một vòng đời nhất định và sau quãng thời gian sử dụng thì cần được thay thế để giảm thiểu rủi ro cho người dùng. Nhưng quan niệm này lại không chính xác bởi thiết bị điện tử có thể hoạt động cả thập kỷ mà không gây ra vấn đề nào, miễn không chứa chi tiết động hoặc để tiếp xúc với những điều kiện ngoại quan nguy hiểm, nằm ngoài tiêu chuẩn vận hành của sản phẩm.

Linh kiện của máy tính hao mòn theo thời gian là điều không thể chối cãi. Ổ cứng là ví dụ điển hình và người dùng luôn phải chuẩn bị tâm lý bộ phận này sẽ hỏng bất kỳ lúc nào trong quá trình sử dụng. Nhưng GPU lại khác đôi chút. Đôi khi card đồ họa có lỗi, nhưng thường phát hiện ra ngay sau khi lắp đặt bởi các nguyên nhân từ quá trình lắp ráp (vốn rất phức tạp) hơn là bị hao mòn khi sử dụng thường xuyên.

CPU (bộ xử lý trung tâm) và GPU hoạt động ổn định qua thời gian hưởng bảo hành từ nhà sản xuất thường có xu hướng vận hành tốt trong nhiều năm tiếp theo nếu không bị các tác động ngoại quan (va đập, thời tiết…). Không ít card đồ họa lắp vào dàn “trâu cày” đã vượt qua quãng thời gian thử thách đối với vòng đời của một thiết bị điện tử. Do đó, nếu không bị ép xung bất thường, quá nhiệt hay hư hại vật lý thì linh kiện này vẫn dùng tốt.

Thợ đào không “bào” phần cứng như mọi người nghĩ

Hiểu một cách đơn giản về hoạt động “đào tiền ảo” thì người khai thác dùng điện năng cung cấp cho card đồ họa để giải các phép toán, từ đó mang về cho họ đồng tiền số. Hoạt động của dàn máy đào tiền ảo diễn ra liên tục, kéo dài ngày này qua ngày khác và câu chuyện khai thác xoay quanh việc xử lý năng lượng sao cho hiệu quả.

Nếu thợ đào dùng quá nhiều điện năng khiến hóa đơn tiền điện tăng nhanh hơn khả năng xử lý các hàm băm và tạo ra tiền ảo của GPU thì họ thua lỗ. Để ngăn điều này xảy ra, người khai thác phải chọn đào đồng tiền nào có khả năng mang lại lợi nhuận sau khi trừ đi các chi phí. Từ đó, thợ đào thường có thói quen giới hạn hiệu năng của GPU thay vì kích xung. Dân chuyên nghiệp sẽ quan tâm tới hiệu quả của hoạt động đào tiền hơn là “cắm đầu cắm cổ” tận dụng hết khả năng của GPU và để chạy mức tối đa cho tới khi hỏng.

Bản thân card đồ họa cũng rất bền bỉ khi được thiết kế để hoạt động ở môi trường có nhiệt độ cao. Trung bình, GPU sẽ đạt mức nhiệt dao động 50 tới 70 độ C khi chạy tải lớn và có thể duy trình hoạt động liên tục như vậy trong nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày mà không phát sinh vấn đề.

Game thủ có thói quen kích xung GPU, trong khi thợ đào làm ngược lại để tiết kiệm điện năng

IDG

Vì lẽ đó, người dùng không cần quá lo lắng về GPU cũ lấy ra từ những dàn “trâu cày”. Thực tế, một GPU dù được mua mới và sử dụng bởi người nghiện chơi game khi bán lại còn chứa nhiều rủi ro hơn là card đồ họa cũ nhập lại từ thợ đào.

GPU cũ có thể cần thay quạt

Quạt tản nhiệt là chi tiết động trên card đồ họa hiện đại và như đã nói ở trên, các bộ phận này có nguy cơ hư hỏng cao trong quá trình sử dụng. Việc vận hành liên tục trong thời gian dài có thể khiến motor điện hoặc bộ phận nào đó của quạt trở nên yếu hơn, kém hiệu quả hoặc dễ hư. Tuy nhiên đây lại không phải vấn đề lớn bởi hầu hết GPU, đặc biệt dòng tầm trung và cao cấp, đều có thể thay thế quạt (bán nhiều trên thị trường) hoặc lựa chọn tản nhiệt lỏng đi kèm.

Một GPU hoạt động trong môi trường nhiều bụi hoặc có chủ cũ ít quan tâm vệ sinh thì tỷ lệ hỏng không khác gì card đồ họa của thợ đào bán lại.

Mua đồ cũ luôn có rủi ro

Mua GPU cũ từ thợ đào tiền ảo không phải là một lựa chọn tồi. Nhưng dù gì, việc mua lại những món đồ (nói chung) đã qua sử dụng đều ẩn chứa rủi ro nhất định. Tốt nhất, hãy lựa chọn mua từ những người hoặc cửa hàng đồ cũ mà bạn có thể tin tưởng, nhận được sự đảm bảo hay bảo hành nhất định. Một số sàn thương mại điện tử có cơ chế bảo vệ người dùng khi mua đồ cũ.

Tuy nhiên, giống như mọi giao dịch mua bán đồ đã qua sử dụng khác, khi mua GPU cũ, người dùng nên biết cách kiểm tra hoặc tìm tới sự giúp đỡ của những người có hiểu biết hơn mình trong vấn đề này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây