Đầu tháng 2/2025, anh Cao ở thành phố Ninh Quốc, tỉnh An Huy, Trung Quốc, trong lúc chuyển khoản 104.000 NDT (hơn 361 triệu đồng) cho đối tác đã vô tình chọn sai thông tin người nhận, khiến số tiền trên được chuyển vào tài khoản của một người đàn ông cùng tên với người nhận là anh Trình. Được biết, anh Trình là khách hàng cũ của anh Cao. Vì từng hợp tác làm ăn và chuyển khoản nên anh Cao vẫn lưu thông tin tài khoản ngân hàng của anh Trình trong ứng dụng.
Sau khi phát hiện mình đã chuyển nhầm tiền, anh Cao quyết định gọi điện báo cảnh sát. Dưới sự giúp đỡ của cảnh sát, anh Cao đã liên hệ được với anh Trình và yêu cầu người này chuyển trả lại cho mình. Sau khi nắm rõ sự việc, đối phương cũng tỏ ý sẵn lòng trả lại số tiền mà anh Cao đã chuyển nhầm. Cứ ngỡ chuyện này sẽ kết thúc tại đây, thế nhưng khi anh Trình kiểm tra tài khoản lại xảy ra một vấn đề không ai ngờ đến.
Theo đó, anh Trình từng mắc nợ ngân hàng nhưng chưa trả được. Khi số tiền 104.000 NDT được chuyển tới tài khoản của người này, ngân hàng đã lập tức khấu trừ để trả nợ. Anh Cao sau đó đã liên hệ với ngân hàng để yêu cầu trả lại số tiền nhưng bị phía ngân hàng từ chối kèm theo lời giải thích: “Chuyện không đơn giản như các anh nghĩ đâu. Chúng tôi cũng chỉ làm theo luật quy định”.
Trong cơn tuyệt vọng, người đàn ông này chỉ còn cách khởi kiện anh Trình và ngân hàng ra tòa án địa phương, yêu cầu trả lại số tiền chuyển nhầm là 104.000 NDT.
![- Ảnh 1. - Ảnh 1.](https://sohanews.sohacdn.com/160588918557773824/2025/2/12/rtwrtrw-1739281556678-17392815573401877377769-1739329700951-1739329701043370466295.png)
Ảnh minh họa: Internet
Trước toà, ngân hàng cho biết họ và anh Trình có mối quan hệ hợp đồng cho vay tài chính. Việc khấu trừ tiền dựa trên thỏa thuận hợp đồng là cách hợp pháp để thực hiện quyền của chủ nợ, phù hợp với quy định của pháp luật. Về việc khoản tiền bị khấu trừ thực chất là của anh Cao chứ không phải của anh Trình, ngân hàng cho biết họ không quan tâm và không có nghĩa vụ tìm hiểu nguồn gốc dòng tiền. Lý lẽ này của ngân hàng khiến anh Cao vô cùng bất lực.
Trong vụ việc này, anh Trình cho rằng hành động khấu trừ tiền của ngân hàng là không sai. Tuy nhiên, vì số tiền bị khấu trừ không phải là của anh nên anh hy vọng phía ngân hàng sẽ xác minh rõ ràng và hoàn trả lại tiền cho chủ nhân thực sự là anh Cao. Về số tiền đang nợ ngân hàng, người đàn ông này cho biết sẽ cố gắng hoàn trả sớm nhất có thể.
Sau khi xem xét vụ việc, tòa án địa phương cho rằng ngân hàng có thể thực hiện quyền đòi nợ của mình bằng cách trừ tiền trong tài khoản của anh Trình theo thỏa thuận trong hợp đồng. Tuy nhiên, quyền này không có hiệu lực ràng buộc đối với anh Cao. Hơn nữa, số tiền 104.000 NDT bị chuyển nhầm cũng không phải là khoản “thu nhập” hợp pháp đối với anh Trình. Do đó, ngân hàng không có căn cứ pháp lý để thực hiện quyền khấu trừ đối với khoản tiền trên. Cuối cùng, tòa án địa phương yêu cầu ngân hàng phải trả lại số tiền 104.000 NDT đã khấu trừ cho anh Cao theo đúng pháp luật.
Dù trước đó cả anh Cao, anh Trình và phía ngân hàng nảy sinh mâu thuẫn, tuy nhiên phán quyết trên khi được công bố đã nhận về sự đồng thuận của cả 3 bên. Anh Cao sau đó cũng đã nhận lại số tiền đã “đi lạc” của mình.
Hiện nay, giao dịch chuyển tiền online qua ứng dụng ngân hàng đã trở nên rất phổ biến với người dùng. Dù những giao dịch trực tuyến rất tiện lợi và nhanh chóng, thế nhưng vẫn có một số trường hợp chuyển khoản nhầm vì không kiểm tra thông tin cẩn thận trước khi gửi. Để hạn chế tình trạng này, khách hàng cần lưu ý nhập đúng thông tin số tài khoản, kiểm tra kỹ lại thông tin trước khi chuyển khoản hoặc quét mã QR để giảm thiểu rủi ro.
Trong trường hợp là người nhận được tiền chuyển khoản nhầm, mọi người cần lưu ý không sử dụng số tiền nhận được vào việc chi tiêu cá nhân và chỉ làm việc với ngân hàng để trả lại tiền cho người chuyển nhầm. Đặc biệt, không chuyển lại tiền cho người lạ khi không xác minh được và không có bên thứ 3 làm chứng để tránh gặp phiền phức hay vướng vào những rắc rối không đáng có.
(Theo Sina)