Kỷ nguyên AI đã tới, những tập đoàn công nghệ hàng đầu đang dồn sức lực và tâm huyết nhằm phát triển thứ công nghệ đang được coi là “phát minh cuối cùng của loài người”. Sở dĩ, có hai lý do để người ta gọi AI là “phát minh cuối cùng”: một, là nó sẽ thay chúng ta tiếp tục phát minh; hoặc hai, nó sẽ chấm dứt sự tồn tại của loài người.

Tuy nhiên, bài viết này không nhắm tới những tương lai xa vời, tiệm cận mức “khoa học viễn tưởng” như vậy. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về bước tiến hóa tiếp theo của AI, thứ đã đang ngấp nghé thành hình: ấy là tác nhân AI – AI agent.

Những mô hình trí tuệ nhân tạo đại đa số chúng ta đang sử dụng – như ChatGPT của OpenAI, Gemini của Google hay DeepSeek của High-Flyer – đều là những chatbot, có khả năng trả lời truy vấn của người dùng. Nhưng ở cấp độ tiếp theo, một tác nhân AI có thể trực tiếp thực hiện công việc giúp bạn.

Những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, trong đó có Google, Microsoft, OpenAI hay Salesforce đều đã công bố dự định phát triển tác nhân AI. Họ khẳng định bước tiến hóa tiếp theo của trí tuệ nhân tạo sẽ mang một mức hiệu suất vượt bậc tới với những hệ thống ngầm đang hậu thuẫn ngành y tế, chăm sóc sức khỏe, nghiên cứu robot, tài chính ngân hàng, hay nhiều những mô hình sản xuất và kinh doanh khác.

Tác nhân AI cấp thấp có thể thực hiện được một số công tác đơn giản mà chatbot nay đã đang làm được, như trả lời câu hỏi hay gửi email thay con người. Một tác nhân AI tiên tiến hơn sẽ có thể tự động đặt phòng khách sạn, lướt web tìm thông tin hay lên kế hoạch trong ngày cho bạn.

Trong video trình diễn mới đăng tải, Google cho thấy cách tác nhân AI của họ, Gemini, có thể giúp người dùng nâng cao chất lượng cuộc sống. Bạn có thể bấm vào nút “CC”, chọn tiếng Việt để xem phụ đề Việt.

Hiểu một cách khác, thì chính bạn cũng là một ví dụ trực quan của khái niệm “tác nhân”. Bạn có thể đưa ra quyết định và hành động trước tình huống bạn gặp phải, trước những thông tin thu thập được từ ngũ quan; bạn là một tác nhân của chính mình.

Theo lời của Giáo sư Brian O’Neill, một nhà khoa học máy tính lý giải trên TechSpot, thì tác nhân AI là một công cụ công nghệ có thể học được nhiều điều từ môi trường nó được tiếp xúc, và thông qua lời nhắc (prompt) của con người, chúng giải quyết vấn đề hoặc thực hiện những tác vụ nhất định trong môi trường đó.

Nội dung dưới dây do Giáo sư O’Neill chia sẻ cho thấy cách tác nhân AI có thể thay đổi thế giới này.

Một hệ thống tự động điều chỉnh nhiệt độ phòng là một tác nhân cấp thấp. Khả năng cảm nhận môi trường của nó khá hạn chế, khi chỉ đọc được nhiệt độ phòng. Khi tác nhân AI này thấy phòng lạnh hơn mức tiêu chuẩn, nó sẽ phản ứng bằng cách tăng nhiệt độ phòng.

Hậu duệ của nó, một con robot hút bụi có thêm nhiều khả năng khác. Nó có thể học thông tin về phòng khách để biết khu vực cần hoạt động, có cảm biến để biết khi nào phòng bẩn, qua đó phản ứng bằng cách quét dọn.

Các nhà nghiên cứu AI gọi hệ thống điều chỉnh nhiệt độ phòng là một tác nhân phản xạ đơn giản. Nó có thể đưa ra quyết định, nhưng những quyết định này đơn giản, dựa trên thông tin nhận được trong thời gian thực.

Robot hút bụi lại là một tác nhân có mục đích cụ thể, và chỉ thực hiện một việc là quét dọn bất cứ chỗ nào được chỉ định. Những quyết định mà con robot tự đưa ra – như điều chỉnh lực hút hay rẽ ở đâu – đều nhằm phục vụ mục đích quét dọn.

Một tác nhân có mục đích cụ thể thành công khi đạt được mục đích nó được giao, thông qua bất cứ cách gì trong khả năng của nó. Cách đạt được mục đích thì nhiều, không loại trừ khả năng có những phương pháp làm việc không có lợi cho con người.

Không ít các tác nhân AI ngày nay hoạt động dựa trên tính thiết thực của chính nó, đã thoải mái hơn trong tự chọn lựa cách hoàn thành mục tiêu. Phương pháp này giúp chúng cân nhắc giữa nguy cơ và lợi ích của mỗi cách tiếp cận vấn đề, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Bên cạnh đó, những tác nhân AI dạng này có thể cân nhắc cả thứ tự ưu tiên của mục tiêu cuối cùng, qua đó chọn ra đường phương pháp giải quyết vấn đề cũng như mục tiêu tối ưu nhất.

Những tác nhân AI này có cấp độ cao hơn tác nhân hoạt động dựa trên mục đích cụ thể, bởi lẽ chúng có khả năng lựa chọn những cách thức phù hợp với sở thích và xu hướng của người dùng.

Khi các tập đoàn công nghệ nhắc tới khái niệm “tác nhân AI’, họ đang không nói về các chatbot, hay cụ thể hơn là các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) như ChatGPT hay Gemini. Dù chatbot có thể cung cấp khả năng hỗ trợ cơ bản như trả lời câu hỏi, và cũng có thể coi là các tác nhân AI cấp thấp, nhưng khả năng nhìn nhận môi trường cũng như hành động chúng có thể làm vẫn hạn chế.

Chatbot có thể nhận ra ngôn ngữ đang được sử dụng, nhưng chúng chỉ có thể trả lời dưới dạng văn bản hoặc hình ảnh, với mong muốn trả lời đúng những gì được hỏi.

Mặt khác, những tác nhân AI đang được các tập đoàn công nghệ lớn phát triển tiên tiến hơn nhiều so với những chatbot/mô hình ngôn ngữ lớn chúng ta đang dùng hàng ngày, bởi lẽ chúng sở hữu khả năng làm việc thay con người.

Những hệ thống AI ngày nay vẫn được coi là “AI phạm vi hẹp”, chỉ giỏi một vài tác vụ được chỉ định. Nộ kỹ năng mà chúng sở hữu chỉ áp dụng được cho những lĩnh vực nhất định, ví dụ như một hệ thống AI đánh cờ vua không thể giỏi cả cờ vây và ngược lại.

Còn tác nhân AI hay AGI sẽ tiên tiến hơn, chúng có thể ứng dụng kỹ năng của mình vào lĩnh vực trước đây chúng chưa từng gặp.

Lợi ích tiềm năng có xứng đáng với nguy cơ tiềm tàng?

Mỗi khi nhắc tới tác nhân AI, người ta thắc mắc liệu chúng có cách mạng hóa được cách con người làm việc, hay rộng hơn là cách tiếp cận vấn đề trong cuộc sống. Thực tế, điều này sẽ phụ thuộc vào khả năng của các tập đoàn công nghệ: liệu tác nhân AI của họ có thể được ứng dụng vào nhiều việc khác nhau, nhất là những vấn đề hóc búa có thể xuất hiện bất ngờ.

Chưa hết, tác nhân AI cần dữ liệu để phân tích bối cảnh, sắp xếp thứ tự ưu tiên của công việc cũng như các yếu tố xuất hiện trong vấn đề, hay tìm ra phương án tối ưu. Nhưng để làm được những điều trên, tác nhân AI sẽ phải nắm giữ toàn bộ dữ liệu của người dùng, bao gồm cả những dữ liệu nhạy cảm.

Và điều gì sẽ xảy ra khi tác nhân AI phạm sai lầm, hoặc đưa ra quyết định phật ý người dùng? Ở thời điểm này, các nhà phát triển tác nhân AI vẫn đang tham gia kiểm duyệt kết quả cuối cùng. Google chưa cho phép tác nhân AI tự ý “xuống tiền” mua hàng hay tự động chấp nhận thỏa thuận của nhà cung cấp dịch vụ. Bằng cách trao quyền quyết định cuối cùng cho người người dùng, Google vẫn đang đảm bảo tác nhân AI của họ không tự động phạm lỗi.

Cũng giống các hệ thống AI hiện hành, tác nhân AI cũng sẽ có định kiến. Những xu hướng này có thể khởi nguồn từ dữ liệu huấn luyện AI, từ bản thân thuật toán hay cách tác nhân AI được sử dụng. Việc thêm yếu tố con người để quản lý tác nhân AI cũng sẽ góp phần hạn chế những định kiến, thành kiến của hệ thống.

Suy cho cùng, khi hóa giải được tất cả những nguy cơ tiềm tàng này, ta mới biết được liệu tác nhân AI sẽ có ích tới đâu, và các tập đoàn công nghệ sẵn lòng tạo ra một tác nhân AI hiệu quả tới đâu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây