Nền giáo dục Trung Quốc đã vượt Mỹ?
Với nhiều người Trung Quốc, thành công của DeepSeek là chiến thắng của nền giáo dục Trung Quốc, chứng minh rằng hệ thống này ngang bằng hoặc thậm chí vượt qua nước Mỹ, tờ NY Times nhận định.
Theo người sáng lập công ty, nhóm phát triển và nhà khoa học cốt lõi đằng sau DeepSeek – công ty khởi nghiệp Trung Quốc làm chấn động thế giới AI – tất cả đều theo học đại học tại Trung Quốc. Điều này trái ngược với nhiều công ty công nghệ ở quốc gia này, vốn tìm kiếm nhân tài được đào tạo ở nước ngoài.
![](https://sohanews.sohacdn.com/160588918557773824/2025/2/10/ce253da36e23ada42b8ed21ddc7a2bec1dcf6218-1739178110818417327681.jpg)
Cộng đồng mạng Trung Quốc hân hoan trước phản ứng kinh ngạc của người Mỹ, một số chỉ ra số lượng lớn tiến sĩ khoa học mà Trung Quốc đào tạo hàng năm. “Thành công của DeepSeek chứng minh nền giáo dục của chúng ta thật tuyệt vời”, một bài đăng trên blog cho biết.
Sự đồng tình này còn lan sang nước ngoài. Pavel Durov, người sáng lập nền tảng nhắn tin Telegram, cho rằng sự cạnh tranh khốc liệt ở các trường học Trung Quốc đã thúc đẩy thành công của đất nước này trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
“Nếu Mỹ không cải cách hệ thống giáo dục, họ có nguy cơ nhường vị trí dẫn đầu về công nghệ cho Trung Quốc”, Durov đánh giá.
“Có rất nhiều nhà nghiên cứu và kỹ sư trẻ, năng động, tài năng bên trong Trung Quốc. Tôi không nghĩ có khoảng cách lớn về giáo dục giữa Trung Quốc và Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực AI”, Yiran Chen, giáo sư kỹ thuật điện và máy tính tại Đại học Duke, cho biết.
Đối với nhiều người ở Trung Quốc, sức mạnh của hệ thống giáo dục gắn chặt với vị thế toàn cầu của quốc gia này. Chính phủ đã đầu tư mạnh vào giáo dục đại học, và số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học mỗi năm, trước đây rất ít, đã tăng hơn 14 lần trong hai thập kỷ qua.
![](https://sohanews.sohacdn.com/160588918557773824/2025/2/10/33bcfb5666c0603bc5aea03c43778770d11bf859-17391781588281240495152.jpg)
Một số trường đại học Trung Quốc hiện được xếp hạng trong số những trường tốt nhất thế giới. Tuy nhiên, trong nhiều thập kỷ, những sinh viên giỏi nhất và thông minh nhất của Trung Quốc đã ra nước ngoài, và nhiều người ở lại đó.
Theo một số số liệu, xu hướng trên đang bắt đầu thay đổi.
Trung Quốc đã đào tạo ra nhiều sinh viên tốt nghiệp STEM hơn gấp bốn lần so với Mỹ vào năm 2020. Cụ thể là trong lĩnh vực AI, nước này đã bổ sung hơn 2.300 chương trình đại học kể từ năm 2018, theo nghiên cứu của MacroPolo, một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Chicago chuyên nghiên cứu về Trung Quốc.
Học theo mô hình DeepSeek
Năm 2022, gần một nửa số nhà nghiên cứu AI hàng đầu thế giới đến từ các trường đại học Trung Quốc, trái ngược với khoảng 18% đến từ các trường đại học Mỹ. Trong khi phần lớn các nhà nghiên cứu hàng đầu đó vẫn làm việc tại Mỹ, một số lượng ngày càng tăng đang làm việc tại Trung Quốc.
“Họ đang đào tạo ra tất cả những tài năng này trong vài năm qua. Chẳng phải đi kiếm đâu xa”, Damien Ma, người sáng lập MacroPolo, cho biết.
![](https://sohanews.sohacdn.com/160588918557773824/2025/2/10/182f332b2250ba1a82394e99da98015b67910233-1739178162171792015163.jpg)
Việc Washington gây khó khăn hơn sinh viên Trung Quốc trong một số lĩnh vực nhất định, bao gồm AI, khi xin thị thực cũng vô tình thúc đẩy xu hướng.
“Nếu không ra nước ngoài, họ sẽ thành lập công ty” hoặc làm việc cho một công ty Trung Quốc, Ma cho biết.
Dù sự mở rộng nền giáo dục AI ở Trung Quốc không đồng đều và không phải chương trình nào cũng đào tạo ra được những nhân tài hàng đầu. Nhưng các trường danh tiếng của Trung Quốc, như Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh, đều ở đẳng cấp thế giới; nhiều nhân viên của DeepSeek học tại đó.
Marina Zhang, giáo sư tại Đại học Công nghệ Sydney, người nghiên cứu về đổi mới của Trung Quốc, cho biết chính phủ Trung Quốc cũng giúp thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa học viện và doanh nghiệp so với phương Tây. Họ đổ tiền vào các dự án nghiên cứu và khuyến khích các học giả đóng góp vào các sáng kiến AI quốc gia.
Lương Văn Phong, người sáng lập DeepSeek, đã than thở rất nhiều vào năm ngoái, khi cho rằng “những tài năng hàng đầu ở Trung Quốc bị đánh giá thấp. Có quá ít sự đổi mới cốt lõi đang diễn ra ở cấp độ xã hội nên họ không có cơ hội được công nhận”.
Kể từ thành công đột phá của DeepSeek, một số tiếng nói đã thúc giục nhiều công ty Trung Quốc noi theo mô hình của công ty này. Một bình luận trực tuyến từ chính quyền Chiết Giang, nơi DeepSeek đặt trụ sở chính, tuyên bố cần phải “tin tưởng vào tài năng trẻ” và trao cho các công ty hàng đầu “quyền kiểm soát lớn hơn đối với các nguồn lực đổi mới”.